Bà Trương Thị Mai: Khắc phục tình trạng cán bộ 2 năm lên 3 chức vụ

(PLO)- Trưởng ban tổ chức Trung ương đề nghị phải khắc phục tình trạng một người trong thời gian ngắn lên quá nhiều chức vụ, không đảm bảo chất lượng, yêu cầu…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 23-12, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2022, triển khai chương trình công tác năm 2023.

Trưởng ban tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã đến dự và phát biểu hội nghị.

Năm 2026, biên chế phải gắn với vị trí việc làm, tiền lương

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban tổ chức Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận những thành quả nổi bật của Thành ủy TP.HCM trong công tác xây dựng Đảng năm 2022, trong đó đã bám sát lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương...

Bà Mai cũng dành nhiều thời gian nói về điểm mới trong công tác tổ chức xây dựng Đảng và về công tác cán bộ.

Theo đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ 10 nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng, trong đó có khá nhiều nhiệm vụ liên quan đến công tác tổ chức, xây dựng Đảng.

Bà Trương Thị Mai: Khắc phục tình trạng cán bộ 2 năm lên 3 chức vụ ảnh 1

Trưởng ban tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TẤN THẠNH

Trưởng ban tổ chức Trung ương cho biết Bộ Chính trị đã sơ kết Nghị quyết 18 về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống trị, nâng cao hiệu lực hiệu quả.

"Sau năm năm, cả hệ thống đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong tổ chức bộ máy. TP.HCM cũng có những bước đi, việc làm hiệu quả. Bộ Chính trị cũng đã ban hành thông báo Kết luận 16 để tiếp tục để xem mô hình nào là mô hình phù hợp, giao cho Ban Thường vụ các cấp ủy trực thuộc Trung ương, một số mô hình chưa phù hợp thì tạm ngừng" - bà Trương Thị Mai nói và cho biết trong tuần sau có thể có kết luận của Bộ Chính trị về sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết 18.

Theo bà, việc sắp xếp này cũng chỉ là bước đi ban đầu; nâng cao hiệu lực hiệu quả mới là bước đi cuối cùng trong sắp xếp, tổ chức, điều hành.

Về chủ trương biên chế, công tác tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 đã đạt hơn 10% theo mục tiêu đặt ra nhưng việc quan trọng hơn là cơ cấu lại đội ngũ vẫn còn hạn chế. Từ đó, bà yêu cầu Thành ủy TP.HCM phải có đánh giá sâu hơn về công tác này.

Nói sâu về biên chế, bà Trương Thị Mai nói có hai kết luận quan trọng là Kết luận 28 và 40 của Bộ Chính trị. Trên cơ sở kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 39, Kết luận 40 nêu rõ năm năm tới sẽ tiếp tục giảm 5% biên chế. Ban tổ chức Trung ương đã chốt số lượng và giao Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM, đến năm 2026, phải đạt được con số được giao.

Một điểm được Trưởng ban tổ chức trung ương nhấn mạnh là biên chế sau năm 2026 bắt buộc phải gắn với vị trí việc làm, gắn với chính sách tiền lương để tạo động lực cho toàn bộ bộ máy.

“Đó là chuyển đổi quan trọng để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức”- bà Mai nói và cho biết hiện vẫn đang thực hiện từng bước một để chuyển bộ máy hệ thống chính trị sang cơ chế mới từ năm 2026.

Theo bà Trương Thị Mai, đây cũng là lần đầu tiên Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị, phân công lại cho chín đầu mối quản lý biên chế. Bộ Chính trị cũng ban hành quy chế quản lý biên chế, phân cấp cho các đầu mối để quản lý biên chế.

"Năm 2023 sẽ sửa đổi, hoàn thiện Quy định 132 của Ban Chấp hành Trung ương để khắc phục việc đánh giá cán bộ" - bà Mai nói và cho hay việc đánh giá cán bộ phải nhiều chiều, thực chất hơn.

Khắc phục tình trạng 2 năm lên 3 chức vụ

Bà Trương Thị Mai cũng nhắc đến Quy định 65 về luân chuyển cán bộ, tiếp tục đổi mới. Trong đó, có quyết định quan trọng là không tăng thêm chức danh để luân chuyển cán bộ.

“Rõ ràng trách nhiệm này thuộc về công tác tham mưu của các ban tổ chức, anh dịch một ông ở cơ sở lên thì anh mới có suất đưa người về đào tạo”- bà Mai cho hay.

Cạnh đó, Quy định 50 về công tác quy hoạch cán bộ cũng khắc phục hạn chế của quy hoạch cũ. Cụ thể, sau khi quy hoạch ba tháng mới tiến hành bổ nhiệm, khắc phục tình trạng vừa quy hoạch xong là bổ nhiệm luôn.

Bà Trương Thị Mai: Khắc phục tình trạng cán bộ 2 năm lên 3 chức vụ ảnh 2

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Đặc biệt, với Quy định 80 về phân cấp, quản lý, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đã sửa đổi, khắc phục một số hạn chế trước đó.

"Cán bộ được bổ nhiệm vào một vị trí thì sau hai năm mới được bổ nhiệm vị trí tiếp theo, trừ trường hợp đặc biệt. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng trong hai năm mà một người lên ba chức vụ, rất phản cảm, dư luận xã hội không đồng tình" - bà Mai nói và cho rằng phải khắc phục những vấn đề mà dư luận thấy không ổn, chính bản thân chúng ta cũng thấy không ổn.

"Hạn chế một người trong thời gian ngắn lên quá nhiều chức vụ, không đảm bảo chất lượng, yêu cầu" - bà Mai chỉ rõ.

Với Quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhìn nhận bản chất là miễn nhiệm, từ chức, cho từ chức đối với cán bộ khi có vấn đề liên quan đến kỉ luật Đảng, vi phạm những quy định của Đảng ở các mức độ khác nhau thì tạo cơ hội để cán bộ từ chức; hoặc không từ chức thì cũng phải miễn nhiệm.

Sau quy định 41, Bộ Chính trị cũng có Thông báo 20 về bố trí cán bộ sau khi bị kỉ luật. "Khi một cán bộ đã bị cảnh cáo thì cũng rất nặng nề, nếu tiếp tục ngồi ở vị trí đó thì dư luận trong cán bộ, Đảng viên, trong nhân dân cũng không ổn lắm" - bà Mai nói.

Bà Mai thông tin thêm, trong năm 2023-2024 sẽ có hệ thống văn bản quy định liên quan đến công tác cán bộ khép kín, từ đánh giá đến bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức, sắp xếp sau kỷ luật; tạo điều kiện cho tất cả các cấp ủy tổ chức Đảng trên cả nước thực hiện công tác cán bộ một cách chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc của Đảng.

TP.HCM đi đầu về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Với Kết luận 14 về khuyến khích, bảo cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, bà Trương Thị Mai nói Thành ủy TP.HCM là nơi hưởng ứng mạnh mẽ nhất.

Bà Mai đánh giá, thời điểm ban hành Kết luận 14, TP.HCM đang còn phòng chống và bước vào thời kỳ cao điểm của dịch bệnh COVID-19. Thời điểm đó đã có những Bí thư, Chủ tịch quận đã vượt qua quy định, nguyên tắc để đưa ra giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Trưởng ban tổ chức Trung ương cho hay, Bộ Chính trị cũng nhận thấy có nhiều việc hệ thống pháp luật cũng chưa quy định đầy đủ về Kết luận 14; hoặc chưa cập nhật phù hợp với thực tiễn… Do vậy bà mong TP.HCM tiếp tục quan tâm đến nội dung kết luận này bởi TP.HCM là nơi rất năng động, nhiều vấn đề mới phát sinh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm