Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ phải phát triển năng động hơn

(PLO)- Bộ Chính trị thống nhất cao rằng cần phải ban hành nghị quyết mới phát triển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-11, Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Đồng chủ trì có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Phấn đấu phát triển vùng mạnh về kinh tế biển

Theo đánh giá, khoảng cách phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ so với mức trung bình của cả nước đang dần dần được thu hẹp, an ninh, quốc phòng ngày càng vững chắc, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố.

Tuy nhiên, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ vẫn là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Bộ Chính trị thống nhất cao rằng cần ban hành nghị quyết mới để phát triển, trong đó xác định rõ ràng, đầy đủ các quan điểm chỉ đạo quan trọng, xác định rõ hơn vị trí, vai trò chiến lược quan trọng của vùng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển đảo của Tổ quốc.

Nghị quyết sẽ xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030 vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ phải là vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao trong phòng chống thiên tai và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực...

Đến năm 2045, Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á. Trong đó có các khu kinh tế ven biển hiện đại và hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu...

Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ phải phát triển toàn diện gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nơi “mặt tiền”, địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh biển đảo.

Phát triển vùng theo hướng xanh, bền vững

Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ban ngành trung ương và địa phương đã phát biểu ý kiến làm sâu sắc thêm vấn đề liên quan đến tiềm năng, lợi thế, những khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp phát triển vùng trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của vùng, cũng như mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển vùng, nắm thật vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm của toàn vùng, từng địa phương trong vùng, cũng như của cả nước, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.

Tổng bí thư lưu ý liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển vùng và liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế triển khai; tham gia có hiệu quả vào các hoạt động hội nhập quốc tế.

Chính phủ và các cơ quan ở trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, cơ chế, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng.

Xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.

Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng.

Phát triển vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hóa xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nơi “mặt tiền” địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh biển đảo của Tổ quốc.

“Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo. Tiếp tục cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, đô thị thông minh; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ những cán bộ dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; khơi dậy tinh thần cống hiến của cán bộ, công chức. Đổi mới công tác dân vận và hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân...” - Tổng bí thư nhấn mạnh.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ thực hiện thắng lợi nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.•

Vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế

Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ bao gồm 14 tỉnh, TP ven biển trực thuộc trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Trong đó có ba tiểu vùng: Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị), vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định), vùng Nam Trung bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận).

Diện tích tự nhiên toàn vùng chiếm 28,9% diện tích của cả nước, bờ biển dài gần 1.800 km (chiếm hơn 55% bờ biển cả nước), có nhiều cảng nước sâu, đảo, cụm đảo và quần đảo quan trọng như Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn, Cù Lao Chàm...

Trong vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, có chín sân bay (ba sân bay quốc tế) và nhiều cảng biển lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm