Sáng nay 29-7, Đoàn công tác của TP.HCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã có buổi làm việc, trao đổi kinh nghiệm với UBND TP Hà Nội trong công tác cải cách hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử; kêu gọi xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; thực hiện tiết kiệm chi ngân sách.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chia sẻ bài học của Hà Nội về những bất cập trong việc xây dựng hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội. Theo ông Chung, hiện Hà Nội xây dựng các tuyến đường sắt với nhiều công nghệ khác nhau sẽ dẫn tới sự thiếu đồng bộ, lãng phí trong bảo trì khi tới đây đưa vào sử dụng.
Hiện tại một số tuyến đường sắt có công nghệ khác nhau do vay vốn nước nào phải sử dụng công nghệ nước đó như: đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ Trung Quốc; đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội sử dụng công nghệ của Pháp; tuyến đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi dự kiến sử dụng công nghệ của Nhật Bản…
“Tôi trực tiếp sang Bắc Kinh để học hỏi họ phát triển hệ thống tàu điện ngầm thế nào. Họ phát triển sáu năm được 360 km, thế nhưng quan trọng nhất họ nói với tôi một câu là các anh không nên phát triển tàu điện ngầm bằng nhiều hệ thống, bằng nhiều tuyến tàu khác nhau. Bởi vì nhiều hệ thống điều khiển thì sau này không tích hợp được” - ông Chung nói.
Ông Chung cho hay qua tham vấn các hãng làm tàu điện ngầm uy tín của thế giới như Đức, Nhật Bản, Malaysia… thì đều nhận được câu trả lời: “Có thể nhiều nhà đầu tư phát triển hệ thống đường ngầm, đường ray nhưng khi làm hệ thống tàu thì chỉ nên làm một hệ thống tàu, một hệ thống điều khiển”.
Ông Chung nhấn mạnh: “Họ cảnh báo Hà Nội và TP.HCM sẽ phải trả giá là phát triển hệ thống tàu điện ngầm của nhiều nước. Sau này rất khó tích hợp các phần mềm của các hãng lại với nhau thành một. Các nước chỉ có một trung tâm điều khiển về tàu điện ngầm thôi vì khi phát triển hệ thống đầu tàu, toa tàu với số lượng ít thì sau này tiền bảo dưỡng, bảo hành và thay thế thiết bị rất đắt”.
Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân
Ông dẫn chứng: “Tôi đi đàm phán với hãng của Pháp cung cấp cho tuyến tàu điện ngầm số 2 (Nhổn - Ga Hà Nội). Chúng tôi chất vấn họ rất nhiều về việc tích hợp với đoàn tàu của Nhật (tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi) và Trung Quốc (Cát Linh - Hà Đông) như thế nào họ đều không trả lời”.
Theo ông Chung, hiện hệ thống tàu điện ngầm của các nước như Malaysia, Singapore, Nhật, Trung Quốc cho đến châu Âu đều thưc hiện đồng bộ. Ngay như hệ thống tàu điện ngầm của Tokyo phát triển từ những năm 1960 với nhiều công nghệ khác nhau nhưng đến giờ họ cũng bỏ hết, chỉ sử dụng một hệ thống đầu máy, toa xe của một hãng.
“Sau này nuôi hệ thống bảo trì của đường sắt mới là đắt. Cho nên vừa qua chúng tôi mới mời Metro Tokyo (Nhật Bản) là đơn vị tư vấn, đào tạo cán bộ quản lý đường sắt đô thị cho Hà Nội. Họ đồng ý là đào tạo miễn phí và tư vấn cho Hà Nội về phát triển tàu điện ngầm” - ông Chung nói.
Liên quan đến bài học này của Hà Nội, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị giám đốc Sở GTVT TP.HCM trao đổi thêm với Hà Nội để rút kinh nghiệm khi triển khai làm tàu điện ngầm tại TP.HCM.
“Hiện nay TP.HCM cũng đang định kêu gọi mỗi nhánh tàu điện ngầm là một nhà đầu tư riêng. Đây là bài học. Nên chăng nguồn vốn của các nước khác nhau nhưng hệ thống điều hành và hệ thống tiêu chuẩn tàu điện ngầm phải là một, để tích hợp được, nếu không thì sẽ không triển khai được” - Bí thư Thành ủy đề nghị.