Bánh chưng, mì Quảng ếch “cháy hàng” ở thị trường Anh, Mỹ

(PLO)- Dù xuất khẩu gặp khó, một số doanh nghiệp nông thủy sản vẫn có đơn hàng đến hết năm nhờ đầu tư sản phẩm chế biến sâu cho thị trường ngách.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mì Quảng ếch, cua Cà Mau sốt trứng, cơm chay đóng hộp... đã băng đại dương, mang hương vị quê nhà phục vụ nhu cầu của bà con Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Không chỉ vậy, đây còn là cách để quảng bá hiệu quả nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Cơm chay tươi thuần Việt bán vào thị trường ngách

Ông Thái Thanh Bình, chủ cơ sở thực phẩm chay Bình Loan (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp), cho biết ngày 20-1 tới, cơ sở sẽ hoàn tất đơn hàng gồm hơn 12.000 sản phẩm chay các loại đã ký hợp đồng với đối tác trong nước để đơn vị này xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU).

Đáng chú ý, trong đơn hàng trên có 7.700 hộp cơm chay tươi chế biến sẵn theo tiêu chuẩn châu Âu gồm: cơm chay tàu hủ ky cuộn rong biển; nấm rơm kho tiêu; tàu hủ ky xào sả ớt; tàu hủ ky nấm bào ngư và cơm tàu hủ ky khìa.

thị trường
Bánh chưng xuất khẩu cháy hàng nhờ chọn đúng đối tượng khách hàng mục tiêu trong thị trường ngách. Ảnh: TÚ UYÊN

“Trước đó, món tàu hủ ky sen hồng gồm hạt sen, ngó sen, củ sen phối trộn, gói lại trong lá sen…, trọng lượng 300 g đã có mặt ở thị trường Anh. Hồi đầu tháng 1-2024, chúng tôi cũng giao cho đối tác ở Long An 2 tấn chả chay làm từ tàu hủ ky để xuất khẩu sang Mỹ” - ông Bình kể.

Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết thị trường thực phẩm thuần chay toàn cầu trị giá khoảng 15,6 tỉ USD năm 2019, dự kiến tăng trưởng với tốc độ trung bình 10,5%/năm và đạt khoảng 31,4 tỉ USD vào năm 2026.

Tuy vậy, để có mặt ở những thị trường tiêu chuẩn cao như Mỹ, châu Âu thì chế biến sâu là điều kiện cần mà các nhà xuất khẩu trong nước phải hướng tới.

Ba năm mới đứng vững

Nhiều khách hàng tự hào khi sản phẩm Việt bán qua Mỹ với thương hiệu của công ty Việt. Tuy nhiên, dù sản phẩm của doanh nghiệp có nổi tiếng đến đâu, khi bước sang một thị trường mới cũng bắt buộc phải xây dựng thị trường. Đây cũng là lý do chúng tôi lên kế hoạch mất ít nhất ba năm để thương hiệu vững mạnh tại thị trường Mỹ.

ĐOÀN THỊ ANH THƯ, Giám đốc
Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Vua Cua

“Ban đầu, đối tác đưa ra 12 chỉ tiêu của thị trường xuất khẩu buộc chúng tôi phải đáp ứng. Sau khoảng nửa năm đeo đuổi để đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường khó tính như châu Âu, chúng tôi mới ký được hợp đồng” - ông Bình vui mừng kể.

Bánh chưng, mì Quảng ếch bán hết vèo

Một điển hình khác của câu chuyện chọn khách hàng mục tiêu trong thị trường ngách là hợp tác xã (HTX) Bà Ba Hội. Ông Phạm Văn Hoành, đại diện HTX này, cho biết: Nhằm phục vụ cho bà con Việt kiều đón Tết, ngày 30-11-2023 vừa qua, một container bánh chưng 32.000 cái đã xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ, hiện đã hết hàng.

Bên cạnh đó, một container mì Quảng ếch gồm 50.000 gói cũng cập cảng Houston (Mỹ) ngày 11-1. Đây là hai sản phẩm mới tiếp theo sau khi HTX xuất khẩu thành công hai container cá nục rim vào tháng 7 và tháng 10-2023.

“Chất lượng sản phẩm được bà con đón nhận. Bằng chứng là container cá nục rim đầu tiên có mặt tại Mỹ chưa đến 15 ngày đã tiêu thụ hết, container thứ hai đi giữa tháng 10 trong thời gian ngắn cũng bán hết” - ông Hoành kể.

Điểm đặc biệt của bánh chưng Bà Ba Hội là sử dụng nguyên liệu đặc sản Quảng Nam. Nếp làm bánh chưng là nếp bầu - một giống nếp cổ của người Chăm hay dầu đậu phộng dùng chế biến nhân bánh là đậu được trồng trên vùng đất pha cát Quảng Nam có hương vị đặc trưng.

Tương tự, cuối tháng 12-2023, lô hàng cua Cà Mau, tôm, ốc hương đông lạnh, chế biến sẵn của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Vua Cua đã có mặt tại thị trường Mỹ để phục vụ cho dịp Giáng sinh và năm mới.

Bà Đoàn Thị Anh Thư, Giám đốc công ty, cho biết: Giống như tại quê nhà, vào ngày Tết, nhu cầu tiêu dùng của người Việt tại Mỹ cũng tăng cao. Bên cạnh những món ăn truyền thống, hải sản chế biến sẵn như cua Cà Mau, ốc hương được bà con Việt kiều dùng để thết đãi khách.

Theo đó, thứ Ba hằng tuần, công ty xuất khẩu đều đặn 200 thùng hàng gồm ốc hương, tôm đông lạnh và cua Cà Mau sốt trứng muối sang Mỹ. Số lượng tương đương 6.000 hộp, giá khoảng 25-27 USD/hộp 500 g tùy sản phẩm.

“Với thế mạnh nghiên cứu và phát triển sản phẩm, chúng tôi sẽ có thêm món tôm càng sen, tôm sú Cà Mau nướng sa tế, cua lột Cà Mau chiên giòn ăn kèm nước sốt xuất khẩu sang Mỹ. Thời gian tới dự kiến chúng tôi sẽ xuất khẩu bằng đường biển, giá cả sẽ cạnh tranh hơn” - bà Thư nói.

Phải đầu tư nghiêm túc ngay từ đầu

Nhiều nhà xuất khẩu khẳng định để xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác, nhà xưởng, sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước cũng như được cơ quan chức năng của nước nhập khẩu cấp phép.

Ông Phạm Văn Hoành, đại diện HTX Bà Ba Hội, chia sẻ: Điều quan trọng là ngay từ đầu doanh nghiệp đừng nghĩ chỉ sản xuất sản phẩm bán trong nước mà không đầu tư nghiêm túc. Ví dụ với bánh chưng, hàng mẫu của chúng tôi trước khi được gửi cho cơ quan chức năng Mỹ kiểm định cũng phải được cơ quan chức năng của Việt Nam cấp chứng nhận, tương tự như FDA Mỹ cấp phép mới vào được thị trường này.

Ông Hoành khoe: “Hiện nấm bào ngư đóng lon đang nhận được đơn hàng lớn từ thị trường trong nước lẫn xuất khẩu nhưng cơ sở chưa đủ sức làm. Thị trường Mỹ rất tiềm năng, hiện tại HTX chưa đáp ứng được nhu cầu do quy mô nhà máy chưa lớn. Vì vậy, chúng tôi thống nhất với đối tác sau Tết sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng để từ cuối quý II tăng tốc với số lượng khá lớn” - ông Hoành chia sẻ.

Chung quan điểm, chủ cơ sở thực phẩm chay Bình Loan Thái Thanh Bình cho biết thị trường trong nước chiếm hơn 60%. Tuy vậy, sau dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, khi các đơn vị tìm đặt hàng để xuất khẩu đi Mỹ, EU…, công ty nắm được cơ hội nhờ xây dựng tiêu chí sản xuất nghiêm túc ngay từ đầu. Từ đó, giúp việc kinh doanh khởi sắc.

Cơm chay xuất khẩu sang Anh.jpg
Cơm chay xuất khẩu sang Anh. Ảnh: TÚ UYÊN

Vượt khó nhờ chế biến sâu cho thị trường ngách

Báo cáo tình hình và triển vọng của các doanh nghiệp ngành nông nghiệp Việt Nam trước các biến động toàn cầu do FiinGroup công bố cuối tháng 7-2023 cho thấy: Tỉ suất lợi nhuận của ngành nông nghiệp suy giảm do chi phí sản xuất leo thang, nguyên nhân chính là giá nguyên liệu, vật tư đầu vào như phân bón, hạt giống và máy móc tăng.

Theo đó, sản lượng rau quả của cả nước hiện nay khoảng 31 triệu tấn/năm nhưng tỉ lệ chế biến chỉ đạt khoảng 12%-17%. Ngược chiều với giá trị xuất khẩu và thặng dư thương mại, tỉ suất lợi nhuận gộp của toàn ngành nông nghiệp giảm từ 13,2% vào năm 2021 xuống 11,9% vào năm 2022.

Do đó, chế biến sâu và khai thác thị trường ngách rất quan trọng để nông sản, đặc sản của Việt Nam gia tăng giá trị và dễ dàng xuất khẩu ra thế giới. Để làm được điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải gắn chặt vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến, có đội ngũ nghiên cứu và phát triển để phát triển sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm