Tờ Hindustan Times ngày 1-7 đưa tin tại một cuộc họp trực tuyến của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) đầu tháng 6, Trung Quốc đã phản đối việc cấp một khoản tài trợ cho Khu bảo tồn Động vật hoang dã Sakteng (SWS) ở huyện Trashigang của Bhutan giáp với Ấn Độ và Trung Quốc.
Lý do cho động thái phản đối của Trung Quốc là vì Bắc Kinh cho rằng địa điểm trên đang bị tranh chấp.
Khu bảo tồn Động vật hoang dã Sakteng. Ảnh: ZEENEWS
Ngay cả khi phần còn lại của thế giới đang phải vật lộn với đại dịch COVID-19, vốn xuất phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, Bắc Kinh đã có nhiều động thái hòng thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông, Biển Đông và khu vực biên giới với Ấn Độ, theo Hindustan Times.
Theo trang tin Strategic News Global, Hội đồng GEF nhóm họp để quyết định về việc tài trợ cho nhiều dự án môi trường khác nhau trên toàn thế giới, và tổ chức này đã bị sốc vì sự phản đối của Trung Quốc và nhanh chóng gạt bỏ sự phản đối này.
Đa số các thành viên Hội đồng GEF ủng hộ quan điểm của Bhutan và bản Tóm tắt dự thảo của Chủ tịch đã được hội đồng phê chuẩn và bất chấp sự phản đối của đại diện Trung Quốc, chương trình làm việc đã được thông qua.
Hội đồng đã từ chối ghi lại lý do Trung Quốc phản đối, nói rằng phần chú thích sẽ chỉ ghi lại thực tế rằng Trung Quốc phản đối dự án. Tuy nhiên, đại diện Trung Quốc nói rằng ông sẽ cần thời gian để tham khảo ý kiến của cấp cao hơn nhằm đưa ra quan điểm về vấn đề này.
Lý do mà Trung Quốc đưa ra được đưa vào phần các vấn đề nổi bật của cuộc thảo luận - một hồ sơ ít chính thức hơn – chứ không được đưa vào trong bản Tóm tắt của Chủ tịch, Strategic News Global đưa tin. Bản Tóm tắt của Chủ tịch chỉ đề cập trong phần chú thích rằng Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng và không tham gia quyết định của Hội đồng về dự án này.
Chính phủ Bhutan đã gửi một công thư cho Hội đồng GEF, phản đối mạnh mẽ các tài liệu tham khảo đặt nghi vấn về chủ quyền của Bhutan đối với Khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng trong các tài liệu của phiên họp của Hội đồng. Bhutan đã kêu gọi Hội đồng GEF loại bỏ tất cả các tài liệu tham khảo về các yêu sách vô căn cứ của Trung Quốc trong các tài liệu của Hội đồng.
Bhutan và Trung Quốc có tranh chấp biên giới từ năm 1984. Các cuộc đàm phán giữa Thimphu và Bắc Kinh chỉ giới hạn trong ba khu vực tranh chấp (hai ở khu vực Bắc Bhutan - Jakarlung và Pasamlung - và một ở Tây Bhutan). Sakteng không là bất kỳ phần nào trong ba khu vực tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc.