Dù ban tổ chức cũng đã ra nhiều án kỷ luật nặng nhằm răn đe nhưng những ca đấy vẫn không hề giảm mà còn có dấu hiệu tăng lên nhanh.
Mới nhất đây là vụ tuyển thủ U-20 Dương Văn Hào bị Huỳnh Tấn Tài (Long An) vào bóng từ phía sau. Trước đó Tăng Tiến của HA Gia Lai vào gầm giày với đầu gối của Duy Mạnh. Cuối tuần trước Sầm Ngọc Đức (TP.HCM) cũng có một pha vào bóng hủy diệt tuyển thủ U-23 Việt Nam Phan Văn Đức. Còn những ca bị thương rùng rợn ở những năm trước thì đã qua nhiều trong đó có cầu thủ phải giải nghệ.
Án kỷ luật nặng nhưng vì sao nó không răn đe được cầu thủ vào bóng kiểu triệt hạ, cướp đường sống của đồng nghiệp?
Dương Văn Hào bị đá xấu phải phẫu thuật bắt năm đinh ốc và có nguy cơ giải nghệ. Ảnh: CTP
Dương Văn Hào của Viettel đã phải trải qua phẫu thuật ở BV 108 với năm cây đinh được “đóng” vào xương ống để cố định “khớp sơ mi” với bàn chân. Với vết thương đấy theo tổ bác sĩ phẫu thuật thì nguy cơ giã từ sự nghiệp của Văn Hào là rất cao…
Đi xem các đội trẻ từ các giải U-17 đến U-19, U-21 thì đã không khó nhìn ra những đội mà HLV đã chủ trương cho cầu thủ lối chơi bóng bạo lực, hủy diệt kiểu đá dằn mặt đối phương. Một hiệp đấu, một trận đấu không hiếm cả chục pha vào bóng “cắt kéo”, vào bằng gầm giày hay nhắm vào “ống đồng” đối phương mà “phang”.
Cùng với lối vào bóng hủy diệt và triệt hạ đó là thần thái, sắc mặt rất “sát thủ”. Con số các cầu thủ trẻ tại mỗi giải trẻ chơi bạo lực, hủy diệt tại các vòng chung kết giải trẻ không phải là ít. Và phải thừa nhận không ít cầu thủ trẻ đã được bật đèn xanh từ các thầy của mình.
Bây giờ đây sân chơi chuyên từ giải hạng nhất đến V-League đang gánh chịu những hậu quả khủng khiếp này. Án kỷ luật nặng chưa răn đe được nhiều bởi có những cú vào bóng đã trở thành thói quen.
Cái chính là từ “măng” đã được gieo vào cầu thủ lối chơi bóng “đòn thù” và thành “tre” thì khó uốn lắm.