Theo nguồn tin của báo Pháp Luật TP.HCM, năm 2008 và 2009, BHXH Việt Nam ký 14 hợp đồng với Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII) với tổng số tiền là 1.010 tỉ đồng.
Trong đó, 13 hợp đồng thời hạn 2-5 năm với tổng số tiền là 810 tỉ đồng và một hợp đồng ngắn hạn 200 tỉ đồng (đã được thu hồi khi đến hạn).
Nguồn thu của BHXH từ người dân rất lớn và được đầu tư vào một số lĩnh vực để hưởng lãi suất.
Tuy nhiên, đến thời điểm giữa năm 2009, ALCII bắt đầu không thanh toán lãi hằng tháng và gốc khi đến hạn.
Theo đó, BHXH Việt Nam đã yêu cầu công ty thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong hợp đồng và có phương án xử lý các khoản nợ gốc và lãi còn thiếu tại BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, ALCII không thực hiện.
Cùng thời điểm trên, lãnh đạo của ALCII bị cơ quan chức năng điều tra và phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến hoạt động quản lý tài chính. Sau đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã vào cuộc và khởi tố vụ án.
Ngày 15-12-2016, TAND TP.HCM có Quyết định số 1016/2016 mở thủ tục phá sản đối với ALCII.
BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tòa Kinh tế - TAND TP.HCM, Công ty Hợp danh quản lý và thanh lý tài sản Hoàn Cầu thực hiện thủ tục đòi nợ. Đồng thời thông báo tới tòa án các khoản tiền gốc và lãi của ALCII nợ BHXH Việt Nam theo quy định của pháp luật.
BHXH Việt Nam cho rằng đã cung cấp toàn bộ tài liệu liên quan chứng minh số nợ gốc và lãi của ALCII tại BHXH Việt Nam, gửi giấy đòi nợ đến tòa án, điều chỉnh các thông tin và nội dung chưa chính xác liên quan đến các khoản nợ gốc và lãi của ALCII. Cùng với đó là thực hiện công tác đối chiếu công nợ với ALCII tại trụ sở ALCII và TAND TP.HCM…
Sau khi thực hiện các biện pháp thu hồi nợ, BHXH Việt Nam đã thu hồi được 240,7 tỉ đồng tiền gốc. Hiện số tiền gốc ALCII còn nợ BHXH Việt Nam là 769,3 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi phát sinh).
Liên quan đến vấn đề trên, BHXH Việt Nam cho biết đã có văn bản gửi đến Hội đồng Quản lý quỹ BHXH chấp thuận để đơn vị này làm việc với Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) xử lý khoản nợ của ALCII thông qua DATC nhằm thu hồi tối đa vốn gốc, trong điều kiện cho phép các khoản nợ của ALCII tại BHXH Việt Nam.
Được biết nhiều năm qua BHXH đã sử dụng nguồn tiền của người dân đóng góp vào quỹ BHXH cho các ngân hàng vay để hưởng lãi suất. Bên cạnh đó BHXH cũng đầu tư vào một số dự án xây dựng…
Cảnh báo về “vỡ quỹ” bảo hiểm xã hội Trong những năm qua BHXH đã có nhiều chính sách tăng thu vì sợ “vỡ quỹ” BHXH. Theo cảnh báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) với các chính sách hiện hành (trước năm 2016) thì quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm. Để đảm bảo khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu. Mặc dù Luật BHXH năm 2014 đã có những điều chỉnh nhằm đảm bảo tốt hơn nguyên tắc đóng-hưởng, khắc phục được một phần mất cân đối của quỹ. Tuy nhiên, do những điều chỉnh đều có lộ trình khá dài nên mức độ tác động đến quỹ là khá chậm. Để khắc phục tình trạng này, hiện BHXH đang đề xuất một trong những giải pháp là tăng tuổi lao động (tuổi nghỉ hưu). Đây được xem là biện pháp tốt nhất vì tác động nhanh nhất cả đầu ra và đầu vào của quỹ BHXH. |