Bạo lực ở Mỹ với người gốc Á: Sẽ thay đổi!

Cảnh sát ở TP New York hôm 29-3 công bố đoạn video cho thấy một người đàn ông đạp một phụ nữ gốc Á 65 tuổi xuống vỉa hè và giẫm lên người bà nhiều lần. Trước đó, sáu phụ nữ gốc Á thiệt mạng trong vụ xả súng ngày 16-3 tại TP Atlanta (bang Georgia). Đây chỉ là số ít vụ việc phân biệt chủng tộc và bài ngoại đối với người gốc Á được ghi nhận tại Mỹ thời gian qua.
Điều đó có thể sẽ khiến một số người cảm thấy vô vọng nhưng sẽ luôn có những người ngoài kia đấu tranh cho sự thay đổi và đó là điều khiến tôi hy vọng về nước Mỹ.  Trong mỗi câu chuyện khủng khiếp xuất phát từ nước Mỹ đều sẽ có những điều tốt đẹp xuất hiện để đối nghịch với nó.
Bà CHRISTINA BÙI, 
phụ nữ gốc Á sinh tại bang Virginia
 
Thực tế khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, số lượng vụ tấn công kỳ thị chủng tộc, bạo hành bằng lời nói hay thậm chí là hành hung thể xác ngày càng tăng. Theo thống kê của tổ chức phi lợi nhuận Stop AAPI Hate, từ tháng 3-2020 đến cuối tháng 2 năm nay, cộng đồng người gốc Á và các đảo quốc Thái Bình Dương (AAPI) tại Mỹ đã hứng chịu gần 3.800 vụ tấn công kỳ thị chủng tộc, trong đó 68% vụ xảy ra với nữ giới. Tình trạng này đã gióng lên hồi chuông báo động về nạn bạo lực chống người gốc Á ở Mỹ. 
Sự xem nhẹ của cộng đồng
Thời gian qua, nhiều chính trị gia phương Tây liên tục nhấn mạnh mối liên hệ giữa Trung Quốc với sự bùng phát COVID-19. Đây phần nào góp phần làm bùng nổ vấn nạn trên.
Theo trang Vox (Mỹ), nạn phân biệt đối xử đối với người Mỹ gốc Á đã và đang diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức khác nhau, từ việc hỏi một người “họ thực sự đến từ đâu”, những trò đùa phân biệt chủng tộc về giọng nói, hình dạng đôi mắt, ẩm thực của người châu Á hay sự đánh đồng các xung đột giữa Mỹ với các nước châu Á với người Mỹ gốc Á. Sự thiếu vắng đại diện của người Mỹ gốc Á trong văn hóa đại chúng Mỹ hay những rào cản thăng tiến trong công việc là những điển hình khác.
Tuy nhiên, vấn nạn tội phạm căm thù chống người gốc Á vẫn còn “mờ nhạt” trong nhận thức của cộng đồng. Bà Cynthia Choi, đồng sáng lập của Stop AAPI Hate, chia sẻ: “Từ lâu, cộng đồng AAPI dường như đã trở nên vô hình. Đó là lý do chúng tôi thành lập Stop AAPI Hate. Chúng tôi không muốn vấn nạn này bị xem nhẹ”.

Biểu tình phản đối bạo lực với người gốc Á tại TP Newton, bang Massachusetts (Mỹ) ngày 21-3. Ảnh: AP

Sẽ thay đổi!
Tuy nhiên, không hẳn tất cả niềm hy vọng đều vụt tắt. Tờ South China Morning Post ngày 30-3 dẫn lời cô Christina Bùi, một phụ nữ gốc Á sinh tại bang Virginia, bày tỏ niềm tin rằng dù tình trạng tội ác thù hận đang gia tăng, mọi thứ đều có thể thay đổi.
Đã có những dấu hiệu tích cực cho thấy sự ủng hộ của công chúng đối với lời kêu gọi giới chức trách Mỹ đưa ra giải pháp và có sự công nhận rõ hơn về sự đóng góp của cộng đồng người gốc Á. Theo hãng tin NBC News, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 30-3 thông báo một loạt biện pháp nhằm đẩy lùi làn sóng tấn công bạo lực, phân biệt chủng tộc nhằm vào người Mỹ gốc Á.
Trong tuyên bố hôm 30-3, Nhà Trắng nêu rõ: “Trên khắp nước Mỹ, sự đau buồn và phẫn nộ vẫn tiếp diễn trước tình trạng bạo lực khủng khiếp và sự bài ngoại đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái gốc Á”. Ông Biden cùng ngày cũng đăng dòng tweet tuyên bố: “Chúng ta không thể im lặng trước tình trạng gia tăng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á. Chính vì vậy, hôm nay tôi đưa ra các biện pháp bổ sung để đối phó, bao gồm việc thiết lập một sáng kiến tại Bộ Tư pháp nhằm xử lý các tội ác chống lại người gốc Á”.
Theo đó, chính quyền ông Biden đã thiết lập một sáng kiến liên ngành tại Bộ Tư pháp nhằm giải quyết tình trạng bạo lực chống lại người gốc Á và thành lập một ủy ban chuyên trách nhằm giải quyết và chấm dứt nạn bài ngoại chống lại người Mỹ gốc Á. Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ cũng sẽ trích gần 50 triệu USD từ kế hoạch giải cứu nước Mỹ để chi cho một chương trình tài trợ mới cho cộng đồng AAPI.
Quỹ Tài trợ quốc gia nhân văn (NEH) đã ra mắt thư viện trực tuyến gồm các dự án do liên bang tài trợ nhằm tìm hiểu và tôn vinh những đóng góp của người Mỹ gốc Á cho Mỹ. Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ cũng sẽ chi 33 triệu USD để nghiên cứu vấn đề thành kiến và bài ngoại.
Ngoài ra, những lời kêu gọi hàn gắn và hành động để chấm dứt tình trạng này đang diễn ra mạnh mẽ tại Mỹ, đài CBS News đưa tin. Những ngày gần đây liên tục diễn ra các cuộc tuần hành khắp nước Mỹ nhằm “hàn gắn và hành động”, theo sáng kiến của một số nghị sĩ đưa ra sau các vụ xả súng kinh hoàng tại nước này. Trước đó, một nhóm quan chức lưỡng đảng gồm 26 thống đốc bang trên khắp nước Mỹ hôm 26-3 đã cùng ra tuyên bố chung lên án tình trạng bạo lực gia tăng nhằm vào người gốc Á, đồng thời cam kết sẽ hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ, hỗ trợ các cộng đồng người Mỹ gốc Á.•
 Cũng là vấn nạn ở châu Âu
Sự thờ ơ với vấn nạn bạo lực với người gốc Á không chỉ là vấn đề ở riêng Mỹ. Đài CNN ngày 21-3 dẫn lời nhà báo Tây Ban Nha 29 tuổi Susana Ye chia sẻ rằng bạo lực đối với người gốc Á ở Tây Ban Nha đã trở thành một vấn đề “bình thường” và ít được báo chí Tây Ban Nha đưa tin.
Bà Ye chia sẻ: “Đối với nhiều người, đó không phải là vấn đề quan trọng vì nhiều nhà báo không sống trong cộng đồng hoặc không biết các thành viên của cộng đồng. Họ không có quan điểm chống phân biệt chủng tộc và họ không biết về các cộng đồng khác ngoài cộng đồng của họ”.
“Tôi nghĩ rằng một số cá nhân lựa chọn bạo lực, bạo lực bằng lời nói và bạo lực thể chất bởi vì họ cho là chúng tôi sẽ không đưa ra phản ứng gì. Họ đã quen với việc các vụ việc phân biệt chủng tộc ít xuất hiện trên báo chí” - bà Ye nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm