Báo Mỹ đánh giá Thời báo Hoàn Cầu

Nhân dân nhật báo được thành lập năm 1948 trong khi Thời báo Hoàn Cầu ra đời năm 1993.

Hai tờ báo có hai nhiệm vụ khác nhau. Thời báo Hoàn Cầu chú trọng các vấn đề quốc tế, có phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung, mang tính dân tộc thái quá và thu hút bạn đọc Trung Quốc hơn...

Thời báo Hoàn Cầu là tờ báo lớn thứ ba ở Trung Quốc với hơn 2,4 triệu độc giả/ngày đối với báo in và 10 triệu độc giả trên Internet. Để so sánh, tờ báo danh tiếng The Washington Post của Mỹ chỉ in khoảng 550.000 bản/ngày hay New York Times với hơn 0,8 triệu bản/ngày.

Thời báo Hoàn Cầu được “đặt hàng” để viết từ các bài như tuyên bố chủ quyền tuyệt đối của Trung Quốc trên biển Đông cho đến chỉ trích vai trò của kinh tế Mỹ đối với kinh tế thế giới. Tổng Biên tập Hồ Tây Tân là người quyết định cuối cùng để đăng các bài báo nhạy cảm như vậy.

Tại Trung Quốc, các tổng biên tập hàng đầu được chính phủ bổ nhiệm. Tuy nhiên, những người này thông thường chưa từng hoạt động như một nhà báo… (làm tổng biên tập thường chỉ là bước đệm để trở thành thị trưởng hay chuyển sang cơ quan trung ương). Ông Hồ thì lại khác, ông từng là phóng viên chiến trường và biên tập viên, đồng thời là đồng tác giả của các bài báo khiến người dân các nước láng giềng phải phẫn nộ.

Gần đây, khi Philippines và Hàn Quốc giam giữ tàu đánh cá Trung Quốc, Thời báo Hoàn Cầu lập tức phán: “Nếu những nước này không thay đổi hành vi với Trung Quốc, họ nên chuẩn bị nghe tiếng đại bác”. Bài viết đó thu hút sự chú ý của Reuters, Manila Times, Jakarta Globe, The West Australian, Taipei Times và các cơ quan truyền thông nước ngoài khác tham khảo và viết tin tức.

Không như nhiều đồng nghiệp, Tổng Biên tập Hồ sử dụng liên tục các mạng xã hội, đặc biệt là Weibo (phiên bản Trung Quốc của Twitter)… Thay vì bỏ qua cư dân mạng Trung Quốc, ông ám ảnh với việc theo dõi ý kiến của dư luận nhằm thay đổi nó.

Thời báo Hoàn Cầu tránh đề cập đến các vấn đề nhạy cảm trong nội bộ Trung Quốc như vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989… Phong cách biên tập của Thời báo Hoàn Cầu tuân theo hai xu hướng khác nhau: Tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước đồng thời kiếm tiền từ thuê bao và quảng cáo. Báo biết sử dụng hai xu hướng này đi cùng với nhau…

Ông Jeremy Goldkom, chuyên gia về phương tiện truyền thông Trung Quốc, nhận xét: “Báo Thời báo Hoàn Cầu có tính dân tộc và giọng điệu hiếu chiến hơn. Họ biết cách đóng gói chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc trong bao bì hiện đại”. Đôi khi Thời báo Hoàn Cầucũng chỉ trích tham nhũng của các quan chức Trung Quốc (miễn là trong những trường hợp đó, khi so sánh với tham nhũng ở phương Tây vẫn thấy Trung Quốc tốt hơn)…

QUANG MINH (Theo tạp chí Mỹ Foreign Policy)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm