Theo đó, trên mạng xã hội những ngày gần đây xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh bảo vệ tại một bệnh viện được cho là ở Quảng Nam không cho nhóm từ thiện phát cháo miễn phí cho người nhà bệnh nhân ở cổng bệnh viện khiến nhiều người bức xúc.
Trong clip, có người trong nhóm từ thiện hỏi "có phải lãnh đạo bệnh viện không cho phát cháo hay không" thì người bảo vệ trả lời là “không cho”. Tiếp đó, người bảo vệ bệnh viện này còn nói “hồi mô chừ tất cả các đơn vị mô vô là không cho”. Đoạn clip được nhiều người chia sẻ và khá nhiều ý kiến bức xúc về việc này.
Nhiều bình luận cho rằng việc phát cháo từ thiện là việc làm tốt nhưng không hiểu vì sao lại bị bảo vệ ngăn cản như thế. Nhiều người nhận ra địa điểm trong clip là BV Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Sáng 14-3, chúng tôi liên hệ với một thành viên trong nhóm phát cháo từ thiện trong clip trên thì được biết, nhóm tập hợp một số tài xế taxi trên địa bàn TP Hội An (Quảng Nam). Các tài xế trong nhóm tự nguyện đóng góp để nấu cháo từ thiện phát cho các bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện ở khu vực Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn.
“Các bệnh viện khác khi đến phát cháo từ thiện thì họ rất nhiệt tình như hướng dẫn, chỉ chỗ cho mình. Còn ở BV Vĩnh Đức thì họ không cho mình vào. Đầu tiên là lãnh đạo không cho phép vì nói rằng mấy anh làm thương hiệu nên không cho. Nhưng ở đây phải hiểu là việc phát cháo từ thiện này có lợi cho người dân, chỉ là tấm lòng của chúng tôi thôi” - người này bức xúc nói.
Trao đổi vụ việc với báo Pháp Luật TPHCM, ông Trần Công Ân, Giám đốc BV Đa khoa Vĩnh Đức, cho biết ông không hề biết về clip bảo vệ bệnh viện cản trở phát cháo từ thiện. Về phía bệnh viện thì rất ủng hộ những việc làm từ thiện từ các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, phải đăng ký với lãnh đạo bệnh viện trước để kiểm tra và hoàn thành các thủ tục liên quan đảm bảo an toàn thực phẩm khi phát cho bệnh nhân.
“Cũng có nhiều tổ chức đến cho quà với số tiền lớn để bệnh viện phát lại cho bệnh nhân nghèo được bệnh viện rất ủng hộ. Tuy nhiên, anh đến phát cháo thì phải xin phép và được cho phép thì anh mới được làm. Ví dụ anh đem đến cho đồ ăn thì chúng tôi phải kiểm tra xem có an toàn hay không. Vì nếu không như vậy sau này bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm thì ai chịu trách nhiệm. Một đồng bạc chúng tôi cũng quý những người làm từ thiện, nhưng phải đúng quy tắc” - ông Ân nói.