Ngày 28-11, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM phối hợp với Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) - Công an TP.HCM đã kiểm tra và lập biên bản vi phạm năm xe taxi Uber. Theo quy định tại Nghị định 171/2013, hành vi này có thể bị phạt 3-4 triệu đồng.
Xe thường chạy taxi
Khoảng 9 giờ ngày 28-11, một chiếc ô tô bảy chỗ vừa tấp vô phía trước khu vực Bưu điện TP.HCM thả khách thì bị các chiến sĩ CSGT ra hiệu dừng xe. Ông Lương Ph., hành khách trên xe khai nhận trước đó đã lên mạng Uber đăng ký xe và được hệ thống chọn cho chiếc Toyota Innova biển số 51A-529… này. Sau khoảng 10 phút chờ đợi, chiếc xe biển số nêu trên có mặt chở ông Ph. và người bạn về Bưu điện TP. Trong khi đó, tài xế Võ Thanh T. (quận 3, TP.HCM) chỉ xuất trình được cà vẹt, bằng lái, sổ đăng kiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm dân sự bắt buộc, không xuất trình được hợp đồng vận tải hành khách.
Khoảng một tiếng sau, trên đường Lê Duẩn đoạn trước khu vực Thảo Cầm Viên, một chiếc xe Toyota Fortuner cũng bị kiểm tra. Hành khách trên xe xác nhận đã dùng phần mềm Uber để gọi chiếc xe này và trả phí thông qua thẻ Visa. Cùng thời điểm, tại khu vực đường Lê Hồng Phong (quận 5), lực lượng chức năng cũng “tóm” được ba chiếc taxi Uber.
Lái xe Nguyễn Thanh T. (quận Bình Tân) đang ký biên bản vi phạm. Ảnh: MP
Được vài chục ngàn, mất hơn 3 triệu
Tất cả năm chiếc xe nói trên đều có phương thức hoạt động như nhau. Cụ thể, thông qua ứng dụng Uber trên điện thoại thông minh có kết nối Internet, hành khách đặt xe và thông báo trước địa điểm cần tới. Sau khoảng 5-10 phút, một chiếc ô tô con (với đủ loại nhãn hiệu) đến đón, chở khách đi và thu cước thông qua thẻ thanh toán quốc tế (Visa hoặc Master Card).
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết taxi Uber đều do các tài xế cũng đồng thời đứng tên chủ xe trên cà vẹt lái chở khách. Nhìn từ bên ngoài, hoàn toàn không có những thông tin tối thiểu để nhận diện đây là những xe được phép kinh doanh vận tải.
Tài xế Võ Thanh T. khẳng định không phạm lỗi gì vì ông hợp tác với một đơn vị có chức năng kinh doanh vận tải để kiếm thêm thu nhập từ chiếc xe riêng của gia đình. Các tài xế, chủ xe khác khi bị “vịn” cũng có phản ứng tương tự. “Theo quy định, kinh doanh vận tải bằng ô tô là loại hình kinh doanh có điều kiện. Ngoài việc đăng ký kinh doanh, các xe này phải được Sở GTVT cấp phép kinh doanh chở khách đường bộ. Các anh thông qua ứng dụng Uber để đón - chở khách, thu tiền cước nhưng không đăng ký kinh doanh là trái luật” - ông Đàm Phan Phát, Đội trưởng Đội TTGT số 1, giải thích.
Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, cũng khẳng định các chủ xe tham gia dịch vụ Uber mà không đăng ký kinh doanh, không kê khai nộp thuế là bất hợp pháp. Do vậy Sở GTVT sẽ chỉ đạo TTGT tiếp tục phối hợp với CSGT kiểm tra, xử phạt các trường hợp kinh doanh trái phép. Theo quy định, các tài xế taxi Uber sẽ bị phạt từ 3 triệu đến 4 triệu đồng, bị tạm giữ bằng lái và sổ kiểm định của xe.
Taxi truyền thống sợ mất “nồi cơm” Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, các xe vận chuyển khách thông qua ứng dụng Uber gây ra sự cạnh tranh thiếu công bằng. Bởi lẽ các taxi Uber không chịu sự kiểm soát chặt chẽ (như khám sức khỏe định kỳ, tập huấn nghiệp vụ, giám sát tài xế) nhằm đảm bảo chở khách an toàn. Đơn vị điều hành dịch vụ Uber không tuân thủ các quy định của Việt Nam như không đăng ký kinh doanh, không đảm bảo các điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Tuy bị gán cho vô số “lỗi” song thực tế taxi Uber được khá nhiều người dùng chào đón. Bà Trần Huỳnh (quận 7) nói: “Giá rẻ hơn taxi thông thường, xe sạch từ ngoài lẫn bên trong, lái xe khá lịch sự và hành khách lại được “chấm điểm” thái độ phục vụ của lái xe. Nếu taxi truyền thống không tự nâng chất lượng phục vụ thì taxi Uber vẫn có đất sống”. |