‘Uber: Không nên không quản được thì cấm’

“Uber là một ứng dụng kết nối người tiêu dùng với tiêu chí đầu tiên là tính an toàn đối với hành khách và tài xế” - ông Karun Arya (ảnh), Giám đốc truyền thông khối Nam Á của Công ty Uber, nhấn mạnh khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về các vấn đề pháp lý của dịch vụ Uber taxi. Chúng tôi xin thông tin về cuộc trao đổi này và không bình luận gì thêm.

Mở rộng đối tác ở Việt Nam

. Phóng viên: Tôi đã thử đăng ký tham gia hoạt động taxi Uber và thực tế điều kiện đưa ra khá đơn giản (bằng lái B2, sổ kiểm định, cà vẹt, bảo hiểm và giấy tờ cá nhân). Vậy các ông lựa chọn taxi Uber dựa vào tiêu chí nào?

+ Ông Karun Arya: Uber liên kết với đối tác là các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh vận tải. Các tài xế taxi Uber đều được kiểm tra lý lịch và điều kiện hành nghề. Khi sử dụng ứng dụng này, người đi xe biết trước cước phí tối đa của lộ trình dự kiến, đồng thời các thông tin về tài xế, chiếc xe cùng lộ trình vận chuyển sẽ được chia sẻ cho người thân của hành khách nhằm đảm bảo an toàn hơn cho hành khách. Ứng dụng này còn cho phép hành khách đánh giá thái độ phục vụ của tài xế, ngược lại tài xế cũng được đánh giá về hành khách. Những hành khách hay tài xế bị nhiều lần đánh giá “kém” sẽ không được tham gia cộng đồng Uber nữa.

Chính vì những ưu điểm như vậy nên hiện dịch vụ Uber được chấp nhận ở 250 TP lớn của 50 quốc gia. Riêng ở Việt Nam, chúng tôi đang mở rộng hợp tác với đối tác, thu hút thêm nhiều xe để rút ngắn thời gian chờ của hành khách (hiện nay gần năm phút).

. Vậy ông giải thích thế nào trước việc tại một số nước như Mỹ, Đức… đã xảy ra nhiều vụ tụ tập phản đối taxi Uber. Gần đây lực lượng chức năng TP.HCM cũng đã lập nhiều biên bản vi phạm đối với các taxi Uber?

+ Nhiều nơi chưa chấp nhận Uber là vì có một số quy định đang có hiệu lực được soạn thảo từ khi Internet và những ứng dụng trên nền tảng này chưa phát triển.

Xin được khẳng định Uber là một ứng dụng công nghệ. Chúng tôi không sở hữu xe, không vận hành xe cũng không quản lý tài xế mà chỉ đưa ra giải pháp kết nối nhu cầu của hành khách với những công ty vận tải đã được cấp phép. Điều này là hoàn toàn phù hợp với pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi đang làm việc với nhiều nước như Mỹ, Đức... về việc cấm Uber hoạt động.

Ông Karun Arya, Giám đốc truyền thông khối Nam Á của Uber, nói rằng sẽ không có chuyện taxi Uber bị phạt, dù Thanh tra Giao thông TP.HCM đã lập biên bản vi phạm nhiều trường hợp. Ảnh: H.VI

“Hoạt động ở đâu cũng nộp thuế

. Ông nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng đang có sự cạnh tranh không bình đẳng giữa taxi Uber và taxi truyền thống, đơn cử như Uber không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế?

+ Dù hoạt động ở bất kỳ thị trường nào, chắc chắn Uber sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế. Khi Uber hợp tác với những đối tác kinh doanh vận tải ở các nước, tất cả thông tin về tài chính, doanh thu của các đối tác đều được công khai. Các doanh nghiệp vận tải này đăng ký hoạt động và chịu sự quản lý của nhà nước nên họ sẽ đóng thuế dựa trên doanh thu và giao dịch với Uber. Còn hành khách khi dùng dịch vụ sẽ thanh toán qua thẻ Visa nên thông tin cũng rất minh bạch.

. Vậy nghĩa vụ đóng thuế của Uber thế nào về nguồn thu từ việc “chặt” 20% giá cước mỗi chuyến xe? Ngoài ra, hiện Uber vẫn chưa mở văn phòng đại diện ở Việt Nam thì đóng thuế bằng cách nào?

+ Tôi đến từ bộ phận truyền thông của Uber chứ không đến từ bộ phận kinh doanh nên các câu hỏi này tôi không trả lời được (!?). Uber không có ý định mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Cái mà tôi chia sẻ được là Uber có đóng thuế.

Tái kiểm tra điều kiện xe Uber

. Việc đảm bảo an toàn giao thông của taxi Uber được thực hiện ra sao?

+ Uber chỉ hợp tác với những doanh nghiệp vận tải ở Việt Nam và chắc chắn các tài xế taxi Uber phải có bằng lái và qua các khóa đào tạo, tập huấn theo đúng tiêu chuẩn mà pháp luật Việt Nam quy định.

. Nhưng thực tế khi bị kiểm tra, nhiều tài xế taxi Uber không có những chứng chỉ này?

+ Nếu như tài xế chưa đủ các loại giấy tờ như anh nói thì chúng tôi sẽ kiểm tra lại.

. Trách nhiệm của Uber đối với những rủi ro mà hành khách hoặc tài xế có thể gặp phải?

+ Các công ty vận tải đã có bảo hiểm cho xe, cho tài xế và cho hành khách, ngoài ra Uber còn có bảo hiểm cho hành khách nữa. Nghĩa là người sử dụng Uber được bảo hiểm hai lần. Nhưng tôi sẽ không nói quá chi tiết việc Uber thực hiện bảo hiểm cho hành khách ra sao.

. Vừa qua, nhiều tài xế taxi Uber đã bị xử phạt. Công ty có chia sẻ rủi ro với họ?

+ Sẽ không bao giờ có chuyện bị phạt vì các tài xế này đều có đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết. Chúng tôi cam kết trong buổi làm việc sắp tới với thanh tra giao thông, các tài xế sẽ cung cấp tất cả giấy tờ theo yêu cầu. Nhưng nếu các tài xế bị phạt, Uber sẽ có những động thái nhất định đối với các tài xế.

Cơ quan chức năng nói gì về taxi Uber?

Hiệp hội Taxi TP.HCM: Taxi Uber gây ra sự cạnh tranh thiếu công bằng bởi không chịu sự kiểm soát của ngành thuế, ngành vận tải…; đơn vị điều hành Uber không tuân theo các quy định như các hãng taxi; tài xế taxi Uber cũng không bị gò bó về thời gian, không chịu sự kiểm soát về điều kiện hành nghề.

Cục Thuế TP.HCM: Uber và chủ các xe taxi Uber không đăng ký kinh doanh, không kê khai nộp thuế là bất hợp pháp nhưng ngành thuế không thể quản được bởi Uber nằm ở nước ngoài, việc thanh toán lại thông qua thẻ Visa. Tuy nhiên, ngay cả khi xác định được địa chỉ cụ thể vẫn chưa chắc truy thu thuế được do không xác định được doanh thu của họ.

Sở TT&TT TP.HCM: Chủ thể điều hành taxi Uber ở nước ngoài nhưng nếu hoạt động bất hợp pháp thì có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn. Tuy nhiên, việc này phải kiến nghị Bộ TT&TT xem xét xử lý.

Công an TP.HCM: Taxi Uber tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hành khách do không ai biết đơn vị điều hành xe là ai, tài xế có qua các lớp tập huấn hay không. Thậm chí hành khách còn có nguy cơ gặp cướp.

________________________________________

Cần có cách hợp pháp hóa taxi Uber

Taxi Uber có giá thấp hơn taxi thông thường nên người dân thấy lợi khi sử dụng. Trên thế giới đã có nhiều nước ứng dụng rồi thì Việt Nam cũng cần triển khai. Nếu loại hình kinh doanh bằng phần mềm Uber chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật thì mình có trách nhiệm bổ sung để hợp pháp hóa. Phải làm sao để thuận lợi cho quản lý nhưng tiện lợi với người dân.

Sắp tới, các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT phải chất lượng hơn, đem lại sự hài lòng hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, phải bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm.

Ông ĐINH LA THĂNG, Bộ trưởng Bộ GTVT (chỉ đạo tại cuộc họp Bộ GTVT sáng 2-12)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm