Giới trung lưu, những người có thu nhập hằng năm từ 45.000 đến 180.000 USD và có tổng tài sản từ 100.000 đến 1 triệu USD, đang chiếm số lượng lớn trong dân số Mỹ (khoảng 100 triệu dân), theo hãng tin Bloomberg. Lá phiếu của bộ phận giới trung lưu có tính quyết định rất lớn đến cục diện cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Theo giới quan sát, lá phiếu của bộ phận cử tri này sẽ chịu tác động từ những biến động kinh tế tại Mỹ trong thời gian qua.
Nỗi lo lạm phát, lãi suất, thất nghiệp
Trong hơn 20 cuộc phỏng vấn riêng của những người thuộc tầng lớp trung lưu, Bloomberg xác định mối quan tâm hàng đầu của họ là vấn đề thất nghiệp và sự ổn định của nền kinh tế Mỹ.
Bloomberg đánh giá kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1-2021, tầng lớp trung lưu Mỹ đã được hưởng lợi từ những chính sách của chính quyền mới. Giá trị tài sản của họ cũng tăng lên. Nhiều quan chức Nhà Trắng cũng ghi nhận điều kiện kinh tế của tầng lớp trung lưu đã tốt hơn so với trước đại dịch.
Khách tham quan một hội chợ tuyển dụng việc làm công nghệ tại ĐH Miami-Dade ở TP Miami, bang Florida (Mỹ) vào ngày 26-4. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, sự bùng nổ này đã kết thúc kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3-2022 để kiềm chế lạm phát cao nhất trong 40 năm qua. Theo các nhà kinh tế tại ĐH California, Berkeley (Mỹ), các đợt điều chỉnh lãi suất đã khiến giá trị tài sản của tầng lớp trung lưu giảm 6%, tương đương 2.400 tỉ USD. Theo tính toán thì trung bình mỗi người trưởng thành trung lưu bị mất 34.000 USD.
Lạm phát gia tăng sau đại dịch và mức lãi suất tăng nhanh đã đặt nhiều gia đình trung lưu vào tình thế khó khăn về tài chính. Họ phải chi nhiều tiền hơn cho mọi thứ, từ thực phẩm, nhà cửa, ô tô đến năng lượng, trong khi việc vay nợ trở nên khó khăn hơn trước.
Một phân tích của Bloomberg cho thấy trong năm 2022, các hộ gia đình trung lưu đã chi tiêu nhiều hơn 8.000 USD so với năm 2019. Phần lớn chi tiêu này dành cho các nhu cầu thiết yếu như nhà ở, phương tiện đi lại, thực phẩm. Đối với gần 27 triệu hộ gia đình trung lưu ở Mỹ, những khoản chi tiêu đó còn vượt xa tiền lương của họ, khiến họ phải vay nợ và phải làm việc chăm chỉ hơn để trả các hóa đơn.
Vào cuối năm 2022, tầng lớp trung lưu nắm giữ 7.800 tỉ USD trong tổng số nợ 18.300 tỉ USD của các hộ gia đình Mỹ. Con số này cao hơn 1.000 tỉ USD so với cuối năm 2019.
Diễn biến đáng lo nữa là tình trạng thất nghiệp. Từ thời điểm ông Biden nhậm chức đến nay đã có thêm 13,1 triệu người có việc làm nhưng thất nghiệp vẫn là nỗi lo lớn ở Mỹ. Việc Fed tăng lãi suất đã ảnh hưởng lớn đến thị trường việc làm. Ở hàng loạt lĩnh vực công nghệ, tài chính và gần đây nhất là sản xuất, quá trình sa thải báo động, gây lo lắng cho những người lao động thuộc tầng lớp trung lưu cổ cồn trắng.
Không Cộng hòa, cũng không Dân chủ
Khó khăn về kinh tế có thể ảnh hưởng đến tâm lý của bộ phận trung lưu khi bỏ phiếu bầu cử tổng thống. So với ứng cử viên đảng Cộng hòa thì đương kim tổng thống bên đảng Dân chủ sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn.
Có thể thấy được áp lực này khi chiến lược tranh cử của Tổng thống Biden nhấn mạnh kế hoạch phát triển kinh tế Bidenomics và kế hoạch này tập trung vào tầng lớp trung lưu. Ông Biden từng cho rằng tầng lớp trung lưu là xương sống của nền kinh tế Mỹ, là bộ phận quan trọng trong chính sách của mình.
“Bidenomics là xây dựng một nền kinh tế từ giữa ra và từ dưới lên, chứ không phải từ trên xuống” - ông Biden tuyên bố tại Chicago ngày 28-6.
Trong khảo sát của Bloomberg vào tháng 6, 39% trong số 100 triệu dân thuộc tầng lớp trung lưu cảm thấy lạc quan về tương lai kinh tế trong năm 2024. So với cuộc khảo sát hồi tháng 10-2022, con số này đã cao hơn 4%.
Theo Bloomberg, lập luận kinh tế tốt nhất của ông Biden cho việc tái tranh cử cho đến nay là sự phục hồi đáng kể về việc làm sau đại dịch. Theo dữ liệu chính thức, việc làm ở Mỹ tiếp tục khởi sắc trong năm 2023, như trong tháng 5, Mỹ có thêm 339.000 việc làm. Tuy nhiên, nếu suy thoái xảy ra thì kỷ lục này sẽ không còn. Mà theo nhiều nhà kinh tế học thì không loại trừ nguy cơ Mỹ lâm vào suy thoái trước kỳ bầu cử tổng thống năm 2024.
Với ứng cử viên phía đảng Cộng hòa, viễn cảnh cũng không sáng hơn. Theo khảo sát của Bloomberg, 46% đảng viên Cộng hòa thuộc tầng lớp trung lưu thừa nhận tình hình tài chính cá nhân của họ tốt hơn so với năm năm trước - khi cựu Tổng thống Donald Trump còn đương chức (con số này ở đảng viên Dân chủ thuộc tầng lớp trung lưu là 64%).
Tự nhận mình là một người độc lập có khuynh hướng bảo thủ, ông Ron Davis (56 tuổi) nói ông không muốn bỏ phiếu cho ông Biden hoặc ông Trump vào năm tới nếu hai ứng cử viên này tái đấu. Ông Davis nói sẽ chờ xem đảng Cộng hòa đề cử ai khác ngoài ông Trump, còn không ông có thể bỏ phiếu theo chủ nghĩa tự do, cho ứng cử viên một đảng khác, sẵn sàng xem xét những người theo chủ nghĩa dân túy trung tả.
Dù là đảng viên Dân chủ nhưng ông Mel Mills (37 tuổi) nói sẽ không bỏ phiếu cho một trong hai ứng cử viên của hai đảng chính là Dân chủ và Cộng hòa. Dù chưa chọn phương án thay thế nhưng ông Mills cho biết ngày càng quan tâm chính trị độc lập ở Mỹ.
“Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ luôn xoay xở theo cực đoan này hay cực đoan khác. Chúng tôi cần một người trung dung và ôn hòa hơn” - Bloomberg dẫn lời ông Mills, một cử tri thuộc tầng lớp trung lưu.•
Dân chủ, Cộng hòa vẫn có cử tri trung thành
Sau 40 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, bà Lori Blumstein đã vô cùng bất ngờ khi mất việc trong ngành thế chấp vào tháng 8-2022. Là một đảng viên Dân chủ, bà Blumstein trước mắt vẫn giữ dự định bỏ phiếu cho ông Biden nếu ông đại diện tranh cử vào năm 2024. Bà cho rằng các chính sách an sinh xã hội dưới thời ông Biden và những khoản tiết kiệm đã giúp nuôi sống bà.
Bà Tammy Pearson - đảng viên Cộng hòa là một sĩ quan cảnh sát đã nghỉ hưu sống ở TP Granbury, bang Texas. Việc khoản tiết kiệm hưu trí của bà mất đi 1/4 giá trị trong những năm gần đây cùng với vật giá leo thang buộc bà phải tính kỹ hơn trong chi tiêu. Trước mắt, bà Pearson vẫn ủng hộ đảng Cộng hòa. Bà cho rằng những chính sách của Tổng thống Biden đã tác động đến cuộc sống hiện tại của bà theo hướng xấu hơn.