Sáng 14-5, khoảng 50 triệu cử tri Thái Lan bắt đầu đi bầu cử để quyết định tương lai của đất nước, xem liệu Thái Lan sẽ trải qua những thay đổi căn bản, sâu sắc hay duy trì hiện trạng, theo tờ Bangkok Post.
Kỳ vọng bầu cử minh bạch
Theo Chủ tịch Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) Ittiporn Boonpracong, cuộc bầu cử này “thể hiện sức mạnh của bầu cử trong sạch”, "không mua phiếu bầu, không bán phiếu bầu”.
Tại điểm bỏ phiếu, mỗi cử tri đủ điều kiện sẽ được phát 2 lá phiếu, 1 lá phiếu màu tím để chọn một thành viên quốc hội địa phương và một lá phiếu màu xanh lá cây để chọn đảng nào để điều hành đất nước. EC kỳ vọng 85% cử tri sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử này.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đi bầu cử ngày 14-5. Ảnh: REUTERS |
Theo EC, các cử tri Thái Lan sẽ bầu tổng cộng 500 ghế trong Hạ viện, trong đó bao gồm 400 ghế bầu theo khu vực bầu cử và 100 ghế theo danh sách đảng.
Đã có 70 chính đảng đăng ký 4.781 ứng cử viên tranh cử theo khu vực bầu cử và 60 chính đảng đã đăng ký 1.898 ứng cử viên tranh cử theo danh sách đảng.
Bên cạnh đó, 63 ứng cử viên đã được 43 đảng đề cử cho chức thủ tướng Thái Lan. Việc lựa chọn thủ tướng mới sẽ diễn ra vào một ngày sau khi có kết quả bầu cử.
Các đảng giành được hơn 25 ghế có thể đề cử ứng cử viên cho chức thủ tướng. Lưỡng viện, gồm 750 nghị sĩ, sẽ bỏ phiếu cho những ứng cử viên này. Để trở thành thủ tướng, một ứng cử viên phải chiếm đa số trong cả hai viện, hoặc ít nhất 375 phiếu bầu.
Ông Ittiporn cho biết EC dự kiến sẽ bắt đầu báo cáo kết quả bầu cử không chính thức từ 18 giờ 30 ngày 14-5.
Các phiếu bầu sớm đã được gửi đến các điểm bỏ phiếu tương ứng để kiểm cùng với các lá phiếu được bầu vào ngày 14-5. Hiện đã có khoảng hơn 2 triệu phiếu bầu sớm từ ngày 7-5.
Cuộc đua gay cấn giữa các đảng
Những cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy các đảng đối lập đang có lợi thế lớn so với đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất (UTN) do Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha lãnh đạo và được quân đội hậu thuẫn.
Đứng đầu các cuộc thăm dò là đảng đối lập Vì nước Thái (Pheu Thai). Đảng này đã công bố 3 ứng cử viên cho chức thủ tướng và vận động tranh cử trên nền tảng dân túy bao gồm tăng lương tối thiểu, trợ cấp phúc lợi bằng tiền mặt và đặt quân đội đứng ngoài chính trị.
Lãnh đạo đảng Tiến bước Pita Limjaroenrat đi bỏ phiếu ngày 14-5. Ảnh: AFP |
Đảng này có liên hệ với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và hiện được đông đảo người lao động nông thôn và thành thị ủng hộ, hứa hẹn sẽ có một “chiến thắng” vang dội trong cuộc bầu cử lần này. Một trong những ứng cử viên thủ tướng của đảng này là con gái ông Thaksin - bà Paetongtarn Shinawatra, 36 tuổi.
Một đảng đối lập lớn cũng được giới quan sát đánh giá là “người thay đổi cuộc chơi” - đảng Tiến bước (Move Forward). Đảng này rất nổi tiếng trong giới trẻ Thái Lan vì chương trình cải cách triệt để.
Đảng hướng tới tạo ra những thay đổi gốc rễ nhất về cách vận hành của Thái Lan, bao gồm cải cách quân đội và cải cách luật khi quân nghiêm khắc của Thái Lan.
Lãnh đạo đảng, ứng cử viên thủ tướng của đảng này là ông Pita Limcharoenrat, 42 tuổi, cựu sinh viên Harvard. Những bài phát biểu tranh cử thuyết phục và nền tảng cải cách của ông đã mang lại cho ông một lượng lớn người theo dõi. Ông là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho vị trí thủ tướng trong các cuộc thăm dò dư luận.
Một trong những ứng cử viên thủ tướng của Đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất là Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha. Giới quan sát cho rằng không nên đánh giá thấp ông vì mối liên hệ của ông với giới tinh hoa của Thái Lan.
Ông đã vượt qua một số cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong quốc hội trong nhiệm kỳ. Nếu được bầu lại, ông Prayut chỉ có thể phục vụ trong hai năm do hiến pháp giới hạn nhiệm kỳ tối đa là 8 năm.
An ninh thắt chặt trong cuộc bầu cử
Hơn 147.500 cảnh sát sẽ được triển khai để đảm bảo luật pháp và trật tự tại gần 95.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc vào ngày 14-5, Tư lệnh cảnh sát quốc gia Thái Lan Damrongsak Kittiprapas cho hay.
Các sĩ quan này sẽ được chia thành các đội để bảo vệ các điểm bỏ phiếu trong giờ bỏ phiếu hoặc túc trực để triển khai nhanh chóng để xử lý các sự cố cụ thể, theo ông Damrongsak.
Ông Damrongsak cho biết trước cuộc bầu cử, cảnh sát Thái Lan đã tăng cường trấn áp tội phạm từ ngày 4-5 đến ngày 11-5. Gần 35.900 nghi phạm đã bị bắt giữ, bao gồm khoảng 9.600 người bị cảnh sát truy nã về các vụ vũ khí và 3.300 nghi phạm liên quan đến tội phạm mạng.
Ông cho biết thêm một số nghi phạm khác cũng đã bị bắt giữ trong 184 vụ án liên quan đến bầu cử. Trong số này, loại tội phạm phổ biến nhất là phá hủy áp phích bầu cử khi có 142 vụ việc với 939 áp phích bầu cử bị phá, chủ yếu ở thủ đô Bangkok.
Theo vị tướng này, các vụ án hình sự khác liên quan đến bầu cử bao gồm phá rối tuần hành vận động bầu cử, mang vũ khí ở nơi công cộng và đe dọa những người vận động bầu cử.