Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung vừa có tờ trình gửi Chính phủ về sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Trong đó, đáng chú ý, Bộ LĐ-TB&XH bác đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ ba bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, mà tiếp tục thực hiện theo chế độ bảo trợ xã hội như hiện nay.
Nguyên nhân, cơ quan chuyên môn là Bộ Y tế cho rằng hiện nay chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn đầy đủ để xác định danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật do chất độc hóa học gây ra đối với thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học.
Bên cạnh đó, thân nhân của 12 đối tượng người có công với cách mạng được quy định trong pháp lệnh hiện hành và dự thảo pháp lệnh sửa đổi là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất: Cha, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp; qua thực tiễn thực hiện, được nhân dân và xã hội đồng tình.
Các cựu binh nặng trong một buổi lễ gặp mặt tại Hà Nội. Ảnh: V.LONG
“Nếu xem xét mở rộng chính sách ưu đãi đến thế hệ thứ ba (cháu) người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học thì tạo ra sự không bình đẳng. Đồng thời có sự so bì và không tương xứng chế độ ưu đãi giữa thân nhân của người có công với cách mạng khác, nhất là thân nhân liệt sĩ, thương binh, người hoạt động cách mạng trước ngày khởi nghĩa tháng Tám…” - Bộ LĐ-TB&XH lý giải.
Ngoài ra, bộ này cho rằng số lượng các cháu bị dị dạng, dị tật tuy không nhiều (khoảng 27.000 người) song căn cứ xác định không rõ ràng. Qua tham khảo chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng, nhất là những người dân sinh sống tại địa bàn bị nhiễm chất độc hóa học. “Mặt khác, các cháu cũng đang được hưởng chế độ bảo trợ xã hội…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất không tiếp tục công nhận bệnh binh mới là đối tượng người có công. Theo đó, bệnh binh mới từ khi pháp lệnh sửa đổi có hiệu lực hưởng chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. “Đối với các trường hợp là bệnh binh đang hưởng theo pháp lệnh hiện hành thì tiếp tục được hưởng theo quy định…” - Bộ LĐ-TB&XH đề xuất.
Nguyên nhân, trước đây bệnh binh là quân nhân, công an mắc bệnh suy giảm khả năng lao động (41%-60%). Tuy nhiên, thời điểm này chưa có chế độ hưu trí, mất sức lao động từ quỹ bảo hiểm xã hội.
Hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động đã quy định chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cho nên bất kỳ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nào mà mắc bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Thực tế khám, chữa bệnh thì nguyên nhân gây ra dị dạng, dị tật không phải chỉ do chất độc hóa học mà còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là với thế hệ thứ ba. |