Vụ đắm tàu chở người di cư rạng sáng 14-6 ở ngoài khơi bờ biển Hy Lạp làm ít nhất 79 người chết và hàng trăm người mất tích đã trở thành một trong những thảm họa kinh hoàng nhất châu Âu trong những năm gần đây.
Đến ngày 15-6, lực lượng cứu hộ đã giải cứu được 104 người và vẫn đang tìm kiếm những người sống sót. Theo lời kể của một số nhân chứng, có thể có tới 750 người trên tàu lúc tai nạn xảy ra.
Giới chức Hy Lạp cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển nước này đã được cảnh báo về sự hiện diện của con tàu cách Hy Lạp 47 hải lý (87 km) về phía tây nam vào khoảng 8 giờ sáng 13-6. Đến khoảng 11 giờ đêm 13-6, rạng sáng 14-6, con tàu bị lật.
Những gì xảy ra trong 15 giờ con tàu lênh đênh ngoài khơi Hy Lạp vẫn chưa rõ ràng. Dưới đây là những diễn biến chính của vụ việc cho đến nay.
Đặt vé trên mạng xã hội
Những người di cư trên chiếc thuyền ngoài khơi Hy Lạp. Ảnh: LỰC LƯỢNG BẢO VỆ BỜ BIỂN HY LẠP |
Hãng Reuters dẫn 2 nguồn tin quen thuộc với các cuộc điều tra của cảnh sát Hy Lạp cho biết chiếc tàu cũ kỹ đã khởi hành từ TP Tobruk (Libya) vào sáng sớm 10-6.
Để được đến Ý, mỗi hành khách phải trả 4.500 USD. Hành khách đã đặt vé trên mạng xã hội từ những kẻ buôn người. Chúng đảm bảo rằng còn nhiều chỗ trên tàu nhưng khi nhiều người đến điểm khởi hành thì thấy con tàu đã chật cứng, họ cũng không thể quay về vì đã bỏ tiền mua vé.
Trong những ngày tiếp theo trên biển, con tàu xuất hiện nhiều lỗi máy móc nhưng khi hành khách phản ứng về vấn đề này thì bọn buôn người quát mắng và dọa sẽ cắt nước uống của khách.
Không tiếp nhận hỗ trợ
Lực lượng chức năng di chuyển thi thể của những nạn nhân trong vụ chìm tàu ngoài khơi Hy Lạp ngày 15-6. Ảnh: REUTERS |
Khoảng 12 giờ trưa 13-6, khi con tàu đang ở ngoài khơi Hy Lạp, các tổ chức cứu hộ châu Âu đã nhận được cuộc gọi kêu cứu đầu tiên từ hành khách trên tàu với nội dung rằng con tàu đang gặp nạn và họ “không thể sống sót qua đêm nay”.
Chính quyền Hy Lạp đã thiết lập liên lạc với con tàu trong nhiều lần từ 13 giờ 30 đến 18 giờ chiều 13-6 nhưng những người trên tàu nói rằng họ muốn đi đến Ý và không muốn Hy Lạp hỗ trợ.
Các hành khách kiên quyết đến Ý vì sẽ dễ dàng đi lại trong các nước liên minh châu Âu (EU) hơn so với Hy Lạp, nguồn tin nói với Reuters.
Các bức ảnh từ trên không của con tàu do lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp chụp vài giờ trước khi thảm kịch xảy ra cho thấy con tàu chật ních người, chỉ một chuyển động nhỏ cũng khiến con tàu mất thăng bằng.
Giới chức Hy Lạp nói rằng họ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc phải làm gì với con tàu khi nó liên tục từ chối đề nghị hỗ trợ từ Hy Lạp.
Ông Nikos Alexiou - phát ngôn viên của lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp cho biết: “Bạn không thể thực hiện hành động gì đối với một con tàu mà rất nhiều hành khách không muốn. Họ không có bất kỳ sự hợp tác nào”.
Theo luật của EU, việc xác định xem một con tàu có gặp nạn hay không dựa trên một số yếu tố, bao gồm tình trạng của con tàu, số người trên tàu, điều kiện thời tiết và sự sẵn có của các thiết bị an toàn, điều hướng và thông tin liên lạc.
Bà Adriana Tidona - nhà nghiên cứu về di cư tại Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) cho biết tổ chức này quan ngại sâu sắc về sự thiếu rõ ràng của Hy Lạp trong vụ việc.
“Chính phủ Hy Lạp có trách nhiệm đối với mọi hành khách trên con tàu đang gặp nạn” - bà nói.
Khi con tàu thông báo hỏng động cơ và chết máy, một tàu tuần duyên Hy Lạp đã tiến lại gần. Chưa đầy 25 phút sau đó, chiếc tàu nghiêng hẳn sang trái và chìm dần xuống biển trong 10-15 phút tiếp theo.
Theo Reuters, số nạn nhân chính xác có thể không bao giờ được biết vì nơi chiếc tàu bị chìm là một trong những vùng nước sâu nhất ở Địa Trung Hải với độ sâu có thể vượt quá 5 km.