Triển khai hai văn bản trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang cho biết TP phấn đấu đến năm 2020, du lịch chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP của TP từ 11% trở lên với chất lượng dịch vụ ngang tầm khu vực Đông Nam Á; tốc độ tăng khách du lịch quốc tế bình quân 8%-9%/năm; tăng trưởng thu nhập du lịch bình quân 15%-16%/năm; doanh thu du lịch đạt 165.000-170.000 tỉ đồng…
Bí thư Đinh La Thăng và các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Tại hội nghị, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn, cho rằng để phát triển du lịch thì phương thức tiếp thị quảng bá phải thật sự đột phá, xây dựng thương hiệu du lịch TP.HCM cần tăng tính chuyên nghiệp. “Tôi đề xuất nghiên cứu sử dụng tên gọi Sài Gòn song song với TP.HCM trong công tác tiếp thị vì từ lâu tên gọi Sài Gòn đã trở nên thân quen với nhiều người và du khách quốc tế như cách nói Sài Gòn - hòn ngọc viễn đông” - ông Tài nói.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, cũng gửi đến lãnh đạo TP hai vấn đề đang trở thành nỗi ám ảnh của du khách khi đến TP.HCM, đó là ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông. “Không thể chấp nhận được kiểu xả rác bừa bãi trên phố đi bộ Nguyễn Huệ sau các sự kiện. Tại sao cũng người dân đó sang Singapore không dám xả rác mà ở Việt Nam thì lại thoải mái quăng rác ra đường như vậy?” - ông Kỳ nói.
Ông Kỳ cho biết du khách phàn nàn rất nhiều vì thường xuyên bị trễ giờ. “Du khách được khuyến cáo ra sân bay trước ba tiếng thì thời gian đâu nữa mà tham quan vì chăm chăm lo bị trễ giờ” - ông Kỳ lý giải.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết thời gian tới TP sẽ xây dựng sản phẩm du lịch hằng tháng như đường hoa Nguyễn Huệ mỗi dịp Tết. “Như ngày 3-3 hằng năm sẽ là khai mạc lễ hội áo dài, tháng 9 sẽ là lễ hội thời trang, tháng 11 sẽ tổ chức lễ hội ánh sáng toàn TP với công nghệ hàng đầu thế giới và không dùng kinh phí ngân sách. Đồng thời nghiên cứu thêm việc tổ chức ngày hội marathon, mua sắm…” - ông Tuyến nói.
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đề nghị các ngành, các cấp xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng mang thương hiệu của TP như phát triển du lịch đường thủy, du lịch đường bộ, du lịch cảng biển.
Theo ông Thăng, hầu như du lịch TP đã bỏ quên tiềm năng du lịch lớn ở Cần Giờ. Ông Thăng cho rằng biển Cần Giờ rất khó tắm nhưng điều đó không quan trọng, bởi TP có thể kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cải tạo xây dựng biển nhân tạo, tạo sóng để người dân tắm.
“Hiện chúng ta có chiến lược, kế hoạch và công nghệ nên chúng ta làm sẽ rất nhanh. Xây dựng trung tâm du lịch Cần Giờ không những giúp người dân thoát nghèo mà còn giúp phát triển du lịch cho TP” - ông Thăng nói.