Bia kêu giải cứu
Ngành bia đang bị kẹt giữa hai gọng kìm là Nghị định 100 và dịch bệnh COVID-19. Do đó nhiều công ty bia trong tình trạng hoặc thua lỗ hoặc hoạt động kém hiệu quả.
Trên thị trường chứng khoán, bia đã không còn là “món ngon” cho các nhà đầu tư. Đã có một hiện tượng lạ, lần đầu tiên sau nhiều năm, Công ty bia Sài Gòn - Bạc Liêu thua lỗ. Ngay quý đầu tiên năm 2020, công ty này đã ghi nhận lỗ gần 247 triệu đồng.
Một cách tương tự, dù chưa đến mức thua lỗ, nhưng Công ty bia Sài Gòn - Miền Trung đã nhìn thấy lãi giảm đến 54% so với cùng kỳ khi quý I-2020 chỉ có 19 tỉ đồng. Ban lãnh đạo công ty cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và Nghị định 100 làm sản lượng tiêu thụ bia giảm đến 11,7 triệu lít bia các loại so với cùng kỳ.
Vẽ ra bức tranh không mấy tích cực, ông Trần Xuân Tộ, Tổng Giám đốc Công ty Bia Sài Gòn - Tây Đô cũng nhìn nhận dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Ông cũng cho rằng chưa bao giờ thấy ngành bia có sự tồn kho nhưng giờ đây chính công ty ông tồn kho nhiều, sản lượng bán giảm khiến kinh doanh ngưng trệ.
Nếu các công ty trên mang tính ảnh hưởng một vùng hay khu vực gặp khó khăn thì ngay cả ông lớn trong ngành bia là Sabeco cũng không nằm ngoài tình trạng trên.
Sức ép từ hai yếu tố Nghị định 100 và COVID-19 đã khiến cổ phiếu công ty này trong những tháng đầu năm 2020 có thời điểm chỉ còn 155.300 đồng. Điều này có nghĩa vị tỉ phú Thái, ông Charoen Sirivadhanabhakdi, từng bỏ gần 5 tỉ USD mua cổ phiếu Sabeco với giá 320.000 đồng đã bay một nửa giá trị tài sản.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), năm 2020 sẽ là một năm đầy thử thách đối với Sabeco. BVSC cũng dẫn lời từ phía Sabeco rằng thị trường bia sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, mà gần nhất là quý I-2020 và sẽ cần thời gian để thói quen tiêu dùng thích nghi với chính sách mới.
Trước sự khó khăn của ngành bia, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) vừa qua phải có văn bản gởi lên các cơ quan quản lý nhà nước kêu cứu, gỡ khó cho ngành. VBA nhấn mạnh nhiều doanh nghiệp giảm sản lượng tiêu thụ đến 40%-50% trong thời gian qua.
Việc giảm sản lượng tiêu thụ tác động tiêu cực làm giảm doanh thu, các doanh nghiệp nhỏ có thể phải đóng cửa do làm ăn khó khăn và có thể dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỉ đồng trong năm 2020.
Trong vòng bốn tháng đầu năm 2020, theo bảng xếp hạng tỉ phú USD thế giới của Forbes, ông Charoen Sirivadhanabhakdi đã mất 146 triệu USD khiến tài sản chỉ còn 12,3 tỉ USD, suy giảm khá nhiều so tháng 3-2019 là 14,5 tỉ USD. |
Nhiều mặt hàng thực phẩm như mì ăn liền bán khá chạy trong mùa dịch. Ảnh: TL
Kiếm cả trăm tỉ đồng
Trong dịch bệnh, các công ty thực phẩm lại ăn nên làm ra. Điều này cũng không có gì khó hiểu vì đây là những ngành thiết yếu trong mùa dịch.
Có thể nhìn thấy rất rõ nhiều công ty đã có những khoản lợi rất tốt, kể cả trong thời điểm dịch COVID đang hoành hành. Trong một thống kê vào cuối tháng 3 mới đây, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết dù ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi, chi phí nuôi heo cao hơn nhiều nhưng các công ty chăn nuôi vẫn giữ được mức lãi 2-3 triệu đồng trên mỗi con với giá bán heo hơi hiện nay.
Do đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất heo rất tốt. Một trong những công ty mạnh về chăn nuôi và sản xuất heo là Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (DBC) công bố kết qua kinh doanh quý I-2020, doanh thu đạt 3.248 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt trên 340 tỉ đồng. So cùng kỳ năm trước thì ba tháng đầu năm nay, lợi nhuận của DBC cao gấp 17 lần (quý I-2019 chỉ đạt 20 tỉ đồng).
Một đại gia khác trong ngành thịt heo là Vissan vừa công bố kết quả kinh doanh quý I-2020 với doanh thu thuần hơn 1.453 tỉ đồng và lãi sau thuế 46,5 tỉ đồng, lần lượt tăng 21% và 19% so cùng kỳ. Theo Vissan, lợi nhuận tăng phát sinh từ hoạt động chăn nuôi heo tại chi nhánh.
Dù chưa công bố báo cáo kết quả quý I nhưng hiện tượng người mua vét các thùng mì tôm trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa để dự trữ trong thời điểm dịch COVID diễn biến phức tạp, có thể thấy Masan năm nay kiếm lợi khủng.
Báo cáo thường niên năm 2019 mà Masan mới công bố vào ngày 17-4 cho thấy doanh thu thuần của ngành thực phẩm đóng gói như mì ăn liền của Masan trong năm 2019 đạt 4.968 tỉ đồng, tăng 7% so với 2018.
Một cách tương tự, Vinamilk cũng là cái tên ít chịu ảnh hưởng trong đại dịch, vì một phần chiếm hơn nửa thị trường sữa, mặt khác tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2020.
TS Cấn Văn Lực cho biết trong dịch bệnh thì mọi người có xu thế hướng về các sản phẩm an toàn, ngoài ra với việc tập trung vào thị trường nội địa cùng với việc xúc tiến thương mại điện tử đã giúp ngành thực phẩm thắng lớn.
Theo bà Phạm Thị Hồng Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hoàng Linh Biotech, trong dịch bệnh, mọi người lo lắng cho sức khỏe nên thực phẩm là một yếu tố quan trọng trong giỏ hàng của họ.
Các công ty cung cấp thực phẩm từ thịt, trứng, mì tôm, cho đến rau củ quả có thể không quá khó khăn để kinh doanh trong mùa dịch bệnh. Thậm chí có thể kiếm tiền rất tốt nếu họ biết thêm các giá trị gia tăng trên nền những sản phẩm cốt lõi, bám sát các xu hướng kinh doanh trực tuyến.
Tăng trưởng âm Một nghiên cứu của Nielsen Việt Nam cũng cho thấy rất rõ trong dịch bệnh, một trong những ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là bia và đồ uống. Nếu trước khi xảy ra dịch bệnh, bia và đồ uống là những sản phẩm tăng trưởng nóng nhất trong toàn bộ ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) thì trong đại dịch, chúng lại chịu mức sụt giảm nghiêm trọng. Tháng 2-2020, ngành bia tăng trưởng âm 12%. Nguyên nhân dẫn đến xu hướng này được cho là do người dân đã giảm đáng kể việc ăn uống bên ngoài, tại các nhà hàng hay quán nhậu. Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, đặc thù của ngành bia Việt Nam là 70% được kinh doanh tại chỗ. Nhưng với việc giãn cách xã hội khiến cho mọi người không đến nơi đông người cũng như hàng quán phải đóng cửa để tránh lây bệnh. |