Biển Đông: Các nước hợp lực trước sức ép Trung Quốc

Philippines đã đưa ra cảnh báo cho Trung Quốc (TQ) trước những hành động gia tăng triển khai quân đội và vũ khí trên các đảo nhân tạo ở biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn khẳng định đó là quyền hợp pháp của TQ để xây dựng cơ sở quốc phòng nhằm chống lại các mối đe dọa trong khu vực.

Trung Quốc thừa nhận triển khai quân đội trên biển Đông

Bắc Kinh đã thừa nhận triển khai quân đội và vũ khí trên các đảo nhân tạo ở biển Đông. Trước những chỉ trích của các nước trong khu vực, TQ tuyên bố sẽ bảo vệ những gì họ xem là lãnh thổ của đất nước, tờ DailyExpress đưa tin. Bộ trưởng Quốc phòng TQ Ngụy Phượng Hòa còn cho biết khu vực này nằm trong quyền xây dựng cơ sở quốc phòng của Bắc Kinh.

Thượng tướng He Lei của Quân giải phóng nhân dân TQ (PLA) cũng khẳng định triển khai quân đội và vũ khí trên các đảo của biển Đông là quyền hợp pháp của TQ và được cho phép bởi luật pháp quốc tế. “Tất cả nhận xét vô trách nhiệm về vấn đề này là vi phạm với vấn đề đối nội của Bắc Kinh” - tờ South China Morning Post dẫn lời ông He lớn tiếng tuyên bố.

Bên cạnh đó, ông He cũng so sánh việc xây dựng các tiền đồn quân sự trên biển Đông giống như việc nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình gửi một đơn vị đồn trú PLA tới Hong Kong sau khi Anh trao trả đặc khu này về TQ năm 1997. Bình luận của ông được đưa ra sau khi cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cáo buộc nước này đang đe dọa các quốc gia láng giềng của họ bằng những hoạt động quân sự.

Tờ DailyExpress còn cho biết theo hình ảnh vệ tinh tháng trước, Bắc Kinh đã gia tăng sự hiện diện quân sự trên các đảo thuộc vùng biển tranh chấp trong khu vực.

Trên tờ South China Morning Post, chuyên gia quân sự Andrei Chang cũng lưu ý rằng cơ sở trên các đảo này không phải dùng cho mục đích dân sự. “Những bức ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đã đẩy mạnh tiến trình quân sự hóa các tiền đồn trên các đảo này, nơi sẽ trở thành căn cứ không quân và hải quân của PLA trong tương lai. Các cơ sở và tòa nhà trên đảo không nhằm phục vụ mục đích dân sự mà là một khu phức hợp quân sự với quy mô lớn” - ông Chang nói thêm.

Tàu chiến Mỹ và Philippines trong một cuộc diễn tập trên biển Đông. Ảnh: PHILSTAR

Philippines kêu gọi phong trào Sự thật về biển Đông

Philippines nằm trong số những quốc gia vướng vào cuộc tranh chấp với Bắc Kinh từ khi TQ ngày càng gia tăng áp lực lên khu vực biển Đông. Trước tình hình đó, thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio, trong một bài phát biểu với Viện Báo chí và Truyền thông châu Á, đã kêu gọi các nước khu vực hợp sức để lan tỏa phong trào Sự thật nhằm chống lại những tuyên truyền thông tin giả của Bắc Kinh.

“Lịch sử thực sự rất rõ ràng và đơn giản: TQ chưa bao giờ sở hữu biển Đông. Trong khi có những vùng đặc quyền kinh tế ở biển Đông chỉ thuộc về các quốc gia ven biển liền kề. Chúng ta có thể gọi chiến dịch thông tin này là phong trào Sự thật về biển Đông, một phong trào của nhân dân sử dụng quyền tự do ngôn luận để giải thích sự thật về lịch sử biển Đông. Chúng ta có thể mời người dân của những quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế cũng bị lấn chiếm bởi đường lưỡi bò của TQ như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei cùng tham gia đẩy mạnh phong trào này” - ông Carpio tuyên bố.

Sự thật sẽ bảo đảm mãi mãi chủ quyền của chúng ta ở biển Đông. Đây sẽ là phần thưởng cuối cùng cho những nỗ lực của mọi người trong việc vượt qua thách thức lịch sử này để trở thành một phần của phong trào Sự thật về biển Đông.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines ANTONIO CARPIO 

Tăng khả năng quốc phòng

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã và đang mở rộng khả năng bảo vệ bờ biển của họ như một cách để duy trì sự hiện diện trong khu vực mà không mạo hiểm can thiệp quân sự, tờ South China Morning Post đưa tin. Theo Viện Chính sách Úc, ngoài các mối đe dọa từ cướp biển, khủng bố, tội phạm có tổ chức, lý do các nước tăng cường lực lượng ven biển là chống lại chiến lược hàng hải của TQ, bao gồm việc xây dựng các tiền đồn quân sự và các hoạt động đánh bắt xa ở vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.

Trong số 45 sự cố lớn ở biển Đông trong giai đoạn 2010-2016, có 32 vụ liên quan đến ít nhất một lực lượng vũ trang trên biển của TQ, tờ South China Morning Post nói thêm.

Theo báo cáo của Viện Chính sách Úc, Philippines đã bổ sung 14 tàu, hai máy bay vận tải vào hạm đội bảo vệ bờ biển của nước này năm 2013 và thêm 14 tàu ba năm sau đó. Tương tự, Malaysia cũng tăng cường lực lượng tuần tra ven biển với việc bổ sung 105 tàu mới trong giai đoạn 2013-2014. Trong những năm 2005-2016, Indonesia đã tăng hạm đội bảo vệ bờ biển từ chín lên 34 tàu.

Cuối cùng, báo cáo đề xuất rằng các nước ASEAN nên thúc đẩy hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển trong khu vực. Tuy nhiên, ý tưởng này rất khó thực hiện vì TQ vẫn giữ lập trường bất hợp tác trong các vấn đề biển Đông.

Tranh chấp biển Đông

Các tranh chấp nổ ra trong khu vực kể từ khi TQ vẽ ra đường lưỡi bò với chín nét đứt đoạn và ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích ở biển Đông. Điều đáng nói là nó không dựa trên bất kỳ công ước quốc tế nào về biển mà dựa theo một bản đồ năm 1951 cũng do Bắc Kinh tự vẽ. Đường lưỡi bò mới có thể giúp Bắc Kinh củng cố cái gọi là “chủ quyền” của họ trên biển Đông, bất chấp phán quyết ngày 12-7-2016 của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Theo đó, tòa ở The Hague (Hà Lan) đã bác bỏ cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của TQ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm