Báo South China Morning Post hôm 30-7 dẫn lời chính quyền Bắc Kinh đưa tin Trung Quốc (TQ) đã triển khai các máy bay ném bom thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) tham gia cuộc tập trận cường độ cao ở Biển Đông, chỉ vài tuần sau khi hai nhóm tàu sân bay của Mỹ tiến hành diễn tập tại vùng biển đang có tranh chấp này.
Những “quả bom” trên thực địa
Theo truyền thông quốc tế, hai trong số các loại máy bay tham gia tập trận của TQ là máy bay ném bom H-6G và H-6J. Cuộc tập trận mô phỏng quá trình cất, hạ cánh vào ban đêm, những cuộc tấn công tầm xa và tấn công các mục tiêu trên biển. Hai loại máy bay này đều thuộc nhóm máy bay ném bom chiến lược H-6, có thể hoạt động diện rộng, tác chiến hiệu quả ở tầm xa, phối hợp cùng tên lửa hành trình, tác chiến điện tử.
“Cuộc tập trận là một phần trong các hoạt động thường xuyên của quân đội TQ nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu” - Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ren Guoqiang nói.
Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ của PLA hôm 30-7 cho biết một hạm đội hải quân gồm ba chiến hạm Liupanshui, Qujing và Meizhou đã tiến hành tập trận ở Biển Đông hồi đầu tháng 7-2020. Những động thái này tiếp nối hàng loạt các hoạt động quân sự trước đó của TQ ở Biển Đông mà theo giới quan sát, nhằm đáp trả, đe dọa các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ và đồng minh.
Từ khi lãnh đạo TQ, Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh quá trình bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo tại một số thực thể mà Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm đóng ở Biển Đông. Tính đến giai đoạn 2018 đến nay, quá trình nhân tạo hóa, quân sự hóa tại Biển Đông cơ bản đã hoàn thiện. Các tiền đồn quân sự ở Chữ Thập, Phú Lâm, Xu Bi, v.v cùng với lực lượng dân quân biển hùng hậu, các lớp tàu hải cảnh và tàu chiến tạo ra những “quả bom” phục vụ mục tiêu bắt nạt, đe dọa của TQ với ngư dân, tàu thuyền, máy bay của các nước khi đi qua Biển Đông.
Hình ảnh các tháp radar, nhà chứa máy bay và tòa nhà năm tầng do Trung Quốc xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Ảnh: NYT
Và “quả bom” trên mặt trận pháp lý
Tuy nhiên, một “quả bom” nguy hiểm không kém của TQ đặt ra chính là quả bom được cài đặt ở hệ thống luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trong bài phỏng vấn trả lời Tạp chí The Diplomat hôm 1-8, chuyên gia Biển Đông Bill Hayton nhận định TQ đang cố gắng tuyên bố rằng ngư dân và các đơn vị thăm dò dầu mỏ của họ được hưởng quyền hạn vượt quá những gì UNCLOS quy định. Nói cách khác, theo Bill Hayton, phía TQ chỉ dựa vào cách diễn dịch cái gọi là “quyền lịch sử” vốn chỉ đề cao dân tộc tính TQ mà không hề có bằng chứng.
“Nếu để tình trạng này thắng thế, nó sẽ tạo cơ hội cho TQ (và có thể các quốc gia khác dựa vào tiền lệ của TQ) thoải mái khai thác các nguồn tài nguyên nằm bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Điều đó giống như việc đặt một quả bom vào UNCLOS, phá vỡ một phần then chốt của trật tự hàng hải quốc tế. Nói một cách dễ hiểu, dựa vào tuyên bố “quyền lịch sử”, Bắc Kinh sẽ tiếp tục đòi hỏi việc chia sẻ các nguồn tài nguyên trên biển vốn theo quy định của UNCLOS thì thuộc về đặc quyền của (các nước ven biển – PV) Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam” – Ông Bill Hayton nói với The Diplomat.
Vị chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông cũng khẳng định đã nghiên cứu kỹ về cái gọi là “quyền lịch sử” mà TQ tuyên bố. Ông phát hiện ra rằng không có bất kỳ điều gì “thuộc về lịch sử” khi nói về “quyền lịch sử” trong tuyên bố chủ quyền của TQ đã đưa ra và cố gắng theo đuổi lâu nay. Tiếc thay, dù không có cơ sở và đã bị Tòa Trọng tài 2016 bác bỏ, “quyền lịch sử” vẫn tiếp tục được TQ sử dụng làm động lực và cơ sở để thực hiện các hành vi phi pháp ở Biển Đông.
“Quả bom” trên thực địa sẽ khó nổ
Tờ South China Morning Post dẫn lời TS Swee Lean Collin Koh, chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, nhận định khả năng giáp mặt giữa tàu chiến hoặc máy bay của Mỹ và TQ đang gia tăng. Theo ông Collin Koh, TQ tập trận ngay sau khi Mỹ có động thái tương tự không lâu. Điều đó cho thấy TQ muốn gửi đi tín hiệu rằng họ quyết tâm và có khả năng đe dọa các hoạt động di chuyển (của tàu thuyền, máy bay) qua khu vực Biển Đông.
Việc sử dụng các máy bay ném bom H-6 cho thấy cuộc tập trận của TQ có thể nhằm vào việc huấn luyện các cuộc tấn công trên biển nhắm vào các nhóm tàu của hải quân Mỹ. “Sau tuyên bố của Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo về Biển Đông và sự tăng cường hoạt động hải quân Mỹ, chúng ta có thể dự đoán được rằng quân đội TQ sẽ tăng cường các hoạt động mang tính thách thức (đối với Mỹ” – Chuyên gia Collin Koh nhận định.
Tuy nhiên, về tổng thể, việc TQ gia tăng các “quả bom” quân sự hóa Biển Đông là một xu thế tất yếu. Nó vừa có ý nghĩa an ninh đối với các tiền đồn mà họ dày công xây dựng, vừa có ý nghĩa chiến lược trong việc duy trì hoạt động của hải quân, dân quân biển, tàu hải cảnh, v.v. khi đảo Hải Nam ở quá xa so với các vùng biển mà họ tham vọng chiếm đoạt. Tuy nhiên, cho đến hiện nay vẫn chưa cho các chỉ dấu cho thấy TQ sẵn sàng “nổ súng trước” cho một cuộc đụng độ vũ trang, dù là với Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.
Một cuộc chiến trong lúc này sẽ làm suy giảm trầm trọng uy tín và vị thế TQ. Nó còn hủy hoại tính ổn định của môi trường đầu tư, vốn đang lung lay dữ dội vì thương chiến với Mỹ và đại dịch COVID-19. Vậy nên, “vùng xám” vẫn đang được TQ duy trì, tức gây hấn dưới mức chiến tranh nhằm dọa nạt, thị uy.
Ở chiều ngược lại, Mỹ và cả ASEAN cũng khó có khả năng nổ súng để ép TQ lùi bước. Cả hai đều nhiều lần khẳng định tìm kiếm giải pháp hòa bình, và không ai muốn Biển Đông kết thúc bằng một cuộc chiến. Vì vậy, đối sách chính của Mỹ và ASEAN cần tập trung là cân đối sức mạnh trên thực địa để đảm bảo an ninh, nhưng quan trọng hơn là mở đường cho các hoạt động giải quyết tranh chấp bằng mặt trận pháp lý và dư luận chiến.
Tàu hải cảnh Trung Quốc nhiều lần thực hiện chiến lược bắt nạt ở biển Đông. Ảnh minh họa: SCMP
Phải gỡ “quả bom” đặt ở UNCLOS
Trong khi đó, “quả bom” mà TQ đang cố tình đặt ở UNCLOS, nói như Nhà nghiên cứu Bill Hayton, là rất nguy hiểm. Nếu cái gọi là “quyền lịch sử” của TQ ở Biển Đông không được nhìn nhận một cách đúng đắn trong cộng đồng quốc tế, TQ sẽ tiếp tục còn không gian để tuyên truyền yêu sách đường lưỡi bò.
Việc Mỹ, sau đó đến Úc lần lượt đệ trình công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối yêu sách của TQ ở Biển Đông là một tiền lệ rất đáng thúc đẩy. Không chỉ Bộ Ngoại giao Mỹ mà ngay cả Bộ Quốc phòng, Thương mại, v.v. của Mỹ; Không chỉ Mỹ mà ASEAN, nhất là các nước ven biển, cần ra sức vận động các quốc gia đồng minh, đối tác của Mỹ - vốn là các nền kinh tế lớn, có ảnh hưởng đáng kể đến TQ – ra tuyên bố hoặc công hàm tương tự về Biển Đông.
Việc Philippines, Malaysia, Indonesia, Việt Nam đồng loạt gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách TQ đã đánh động được dư luận quốc tế. Điều cần làm chính là một liên minh pháp lý nhằm bày tỏ lập trường của các nước ven biển trong bối cảnh đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) đang gặp nhiều khó khăn. Liên minh pháp lý có vai trò chia sẻ thông tin, kinh nghiệm áp dụng các biện pháp pháp lý (ví dụ khiếu kiện); thảo luận và thống nhất các quan điểm, nguyên tắc, biện pháp, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nội bộ khối các nước ven biển và giữa khối với TQ.
Các nước ven biển (nếu cần thiết cả Mỹ lẫn đồng minh quan tâm) nên có các kế hoạch truyền thông thường xuyên về bản chất của cái gọi là “quyền lịch sử” và đường chín đoạn đến cộng đồng quốc tế. Việc TQ tận dụng các tạp chí khoa học tự nhiên quốc tế (không liên quan Biển Đông) để cài cắm bản đồ đường lưỡi bò cho thấy Bắc Kinh sử dụng mọi không gian để “bình thường hóa” yêu sách của họ. Vậy nên, các nước cần có chính sách truyền thông bao quát hơn về Biển Đông, thay vì chỉ tập trung vào các diễn đàn chính trị hoặc chuyên ngành.
Xét trong bối cảnh TQ tham vọng trỗi dậy trở thành siêu cường lãnh đạo thế giới, uy tín là điều mà Bắc Kinh chắc chắn quan tâm. Vì vậy, phải tận dụng sức ép từ công luận quốc tế để buộc TQ phải hành xử trách nhiệm. Muốn vậy, phải tìm nhiều cách khác nhau để công luận hiểu rõ bản chất yêu sách phi pháp của TQ và cùng lên tiếng để tạo sức ép lên cách hành xử của Bắc Kinh.