Trung Quốc và Ấn Độ đang đưa thêm quân đến củng cố các vị trí do mối nước kiểm soát dọc biên giới giữa lúc quan hệ song phương có thể trở nên tồi tệ hơn nữa sau vụ đụng độ nghiêm trọng tối 15-6 ở thung lũng Galwan, báo South China Morning Post đưa tin.
Ảnh vệ tinh cho thấy sự thay đổi đáng kể, có thể leo thang xung đột
Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) (có trụ sở ở Anh) cho biết "các bằng chứng đáng tin cậy cho thấy Trung Quốc và Ấn Độ đã củng cố đáng kể các vị trí do mình kiểm soát trên phần lãnh thổ tương ứng dọc theo biên giới thực tế" giữa hai nước.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 16-6 cho thấy cả Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng cường quân tới khu vực biên giới tranh chấp. Ảnh: AFP
IISS dẫn hình ảnh vệ tinh của công ty Planet Labs chụp ngày 16-6, cho biết các lều trại của cả hai bên gần Đường kiểm soát thực tế Trung-Ấn (LAC) đã được tháo dỡ.
Thay vào đó, Ấn Độ đã dựng lên một vị trí đóng quân tạm thời và huy động khoảng 30-40 xe quân đội. Trong khi đó, Trung Quốc cũng điều thêm khoảng 100 xe tải đến gần biên giới.
Cơ quan nghiên cứu này cho rằng Bắc Kinh đã tăng cường quân tới biên giới, từ mức 500-600 lĩnh đồn trú thông thường lên 1.000-1.500 lính sau vụ đụng độ tối 15-6. Tuy nhiên, số lượng này nhỏ hơn nhiều so với cáo buộc của New Delhi (khoảng 10.000 quân).
Trung Quốc cũng huy động các lực lượng tác chiến, nhiều khả năng từ Sư đoàn cơ giới số 6 của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) ở Tân Cương, đến củng cố lực lượng tại biên giới với Ấn Độ - IISS cho biết thêm.
Ông Jeffrey Lewis - Giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí khu vực Đông Á của Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ) - nhận định so với ảnh vệ tinh chụp ngày 9-6, ảnh ngày 16-6 cho thấy Trung Quốc có vẻ đang xây thêm một số đoạn đường và đắp đập trên phần sông Galwan do nước này kiểm soát, theo hãng tin Reuters.
Trong khi đó, ngày 18-6, Viện Chính sách chiến lược Úc cho rằng có "sự thay đổi đáng kể nguyên trạng dọc theo biên giới Trung-Ấn đe dọa leo thang xung đột".
Quan hệ Trung-Ấn có thể rơi xuống mức tồi tệ hơn nữa
Sự cố tối 15-6 đã khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và hơn 70 người khác bị thương. Phía Trung Quốc cũng xác nhận có thương vong nhưng không nêu con số cụ thể.
Dù Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã điện đàm và "cam kết giải quyết bất đồng thông qua đối thoại", giới quan sát Ấn Độ lo ngại quan hệ hai nước sẽ tiếp tục xấu đi, theo South China Morning Post.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar (trái) gặp nhau ngày 25-9-2019 tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: CGTN
Giáo sư Swaran Singh đến từ Đại học Jawaharlal Nehru (New Delhi) cho rằng trận giao tranh lần này "nghiêm trọng hơn nhiều" so với cuộc đụng độ tại cao nguyên Doklam (năm 2017).
Những nguyên nhân mà ông Singh nhắc đến là hai bên đều có binh sĩ thiệt mạng và hệ quả của đại dịch COVID-19, bao gồm tâm lý lo ngại suy thoái kinh tế ở cả hai nước và nhu cầu quốc tế đối với hàng hóa Trung Quốc suy giảm.
Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc (giai đoạn 2017-2018) Gautam Bambawale cho rằng "khả năng cao xung đột sẽ ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa hai nước", bao gồm cuộc cạnh tranh công nghệ 5G.
"Quan hệ Ấn-Trung đang và sẽ tiếp tục xấu đi trong những tháng tới" và "Ấn Độ sẽ đánh giá lại và điều chỉnh lại mối quan hệ với Trung Quốc" dựa trên những gì hai nước đã thống nhất trong thỏa thuận biên giới năm 1993 - ông Bambawale nhận định.
Chuyên gia địa chính trị Madhav Nalapat, giáo sư tại Đại học Manipal, bang Karnataka (tây nam Ấn Độ), liên hệ vụ đụng độ tối 15-6 với các động thái leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở các mặt trận khác như Biển Đông hay eo biển Đài Loan.
Ông cho rằng "không có gì ngạc nhiên nếu các máy bay của Không quân và tàu chiến Hải quân Ấn Độ tham gia cùng Mỹ và các lực lượng khác trong một cuộc đối đầu" với Trung Quốc.
Trong khi đó, chuyên gia quan hệ quốc tế Trương Gia Đống - người từng làm việc trong Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ trong giai đoạn 2013-2015 - cho rằng Bắc Kinh không có động lực phải thay đổi chính sách với New Delhi.
"Vấn đề biên giới luôn là vấn đề nhạy cảm nhất nhưng có ít lợi ích chiến lược. Rõ ràng, Trung Quốc và Ấn Độ đã bước vào giai đoạn tương tác mới, khi sẽ tiếp tục có - nhưng không nhiều - những tranh cãi ngoại giao và thậm chí, có thêm những lúc khủng hoảng ở biên giới" - ông Trương nói.
Theo ông Trương, dù New Delhi đang diễn giải các sự cố phục vụ chiến lược khơi dậy tinh thần dân tộc của người Ấn, Bắc Kinh sẽ không lựa chọn chiến tranh "miễn là cả hai bên cùng thống nhất rằng không muốn biến căng thẳng thành một cuộc chiến thực sự".