Biết gì về việc Mỹ chạm trần nợ và tác động của nó?

(PLO)- Mỹ vừa chạm mức trần nợ công 31.400 tỉ USD làm tăng nguy cơ chính phủ vỡ nợ, đe dọa kinh tế Mỹ và cả kinh tế toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết nước này đã chạm mức trần nợ công 31.400 tỉ USD vào ngày 19-1 và chính phủ cần phải thực hiện “các biện pháp đặc biệt” để tránh tình trạng vỡ nợ.

Theo tờ The New York Times, chạm trần nợ là kết quả của việc cắt giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong nhiều thập niên qua. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, khi chính phủ Dân chủ của Tổng thống Joe Biden và Hạ viện thuộc phe Cộng hòa có những chia rẽ sâu sắc, nguy cơ các trận chiến đảng phái dai dẳng dẫn đến một cú sốc kinh tế đang hiện hữu.

Các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện tuyên bố sẽ không nâng trần nợ trừ khi Tổng thống Biden đồng ý cắt giảm mạnh chi tiêu. Trong khi đó, ông Biden cho biết sẽ không thương lượng các điều kiện để tăng hạn mức nợ, cho rằng quốc hội nên nâng hoặc thậm chí xóa bỏ mức trần vô điều kiện.

Dưới đây là tổng quan về mức trần nợ theo tờ The Washington Post.

Bộ Tài chính Mỹ. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Bộ Tài chính Mỹ. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Mức trần nợ là gì?

Mức trần nợ là giới hạn về tổng số tiền mà chính phủ có thể vay thông qua tín phiếu và trái phiếu để thực hiện các nghĩa vụ tài chính của mình. Quốc hội Mỹ đã thiết lập trần nợ vào năm 1917 để kiềm chế việc các cơ quan chính phủ chi tiêu thiếu kiểm soát.

Việc nâng trần nợ là vấn đề chính trị cố hữu, nhất là khi đảng Dân chủ và Cộng hòa chia nhau nắm quyền. Khi đó, một bên cố gắng sử dụng mối đe dọa vỡ nợ để buộc bên kia chấp nhận cắt giảm ngân sách.

Vào năm 2011, các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu bác bỏ dự luật tăng mức trần nợ trừ khi chính phủ cắt giảm chi tiêu hàng năm. Việc này đẩy Mỹ tiến rất gần đến tình trạng vỡ nợ tới mức xếp hạng tín dụng của nước này bị hạ cấp. Tổng thống Barack Obama đã đồng ý cắt giảm mạnh chi tiêu để giải quyết tình trạng đó.

Điều gì xảy ra nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ?

Nếu vỡ nợ chính phủ sẽ buộc phải lựa chọn thanh toán hóa đơn của mình theo mức độ ưu tiên mà không thể vay thêm. Một kịch bản như vậy có thể ngay lập tức đẩy Mỹ vào suy thoái.

Ông Gregory Daco - nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn chiến lược toàn cầu EY Parthenon đã ước tính rằng nếu tình hình vẫn tiếp diễn thì sản lượng kinh tế Mỹ có thể sụt giảm 5%. Ông cho rằng sự sụt giảm như vậy sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế vốn đã được dự đoán sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong năm nay.

Các chuyên gia tài chính phi đảng phái tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội cảnh báo rằng không phải chỉ vỡ nợ mà ngay cả nguy cơ vỡ nợ cũng tác động tiêu cực đến sức khỏe tài chính của quốc gia, cản trở khả năng của chính phủ trong việc tài trợ cho các hoạt động như quốc phòng, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội... Khi các cơ quan xếp hạng tín dụng hạ cấp kinh tế Mỹ sẽ làm sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng, gây sốc cho thị trường tài chính và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Các nhà kinh tế của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã ước tính rằng việc chạm trần nợ sẽ ngay lập tức khiến khoảng 1/10 hoạt động kinh tế của Mỹ đình trệ. Theo tổ chức tư vấn Third Way, vỡ nợ có thể khiến 3 triệu người mất việc.

Đối với thị trường toàn cầu, theo chuyên trang Council on Foreign Relations, việc Mỹ vỡ nợ có thể sẽ tàn phá thị trường tài chính toàn cầu.

Độ tin cậy chứng khoán của kho bạc Mỹ từ lâu đã thúc đẩy nhu cầu đối với đồng USD, góp phần nâng cao giá trị và vị thế của đồng tiền này. Bất kỳ tác động nào đến niềm tin vào nền kinh tế Mỹ, cho dù là vỡ nợ hay nguy cơ vỡ nợ, đều có thể khiến các nhà đầu tư bán trái phiếu kho bạc Mỹ và do đó làm suy yếu đồng USD.

Hơn một nửa dự trữ ngoại tệ của thế giới là bằng USD, thế nên khi giá trị của đồng tiền này giảm đột ngột có thể ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu toàn cầu. Đối với các quốc gia đang nợ nước ngoài, đồng USD yếu hơn có thể khiến các khoản nợ bằng các loại tiền tệ khác trở nên đắt hơn và có nguy cơ đẩy một số nền kinh tế mới nổi vào khủng hoảng nợ.

Mặc dù vẫn có nhiều nhà xuất khẩu Mỹ có thể hưởng lợi từ việc đồng USD giảm giá nhưng chính các công ty này cũng sẽ chịu chi phí vay cao hơn do lãi suất tăng. Sự bất ổn của đồng USD cũng có thể mang lại lợi ích cho các đối thủ kinh tế của Washington.

Mỹ sẽ làm gì tiếp theo?

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Bộ Tài chính cho biết đã thực hiện “các biện pháp đặc biệt” từ ngày 19-1 để ngăn tình trạng vỡ nợ xảy ra.

Bộ trưởng Tài chính Yellen cho biết các biện pháp bao gồm việc đình chỉ nhiều quỹ đầu tư của chính phủ, thanh toán các khoản nợ dễ trả nhất đồng thời vay càng ít càng tốt. Các biện pháp nhằm giúp chính phủ có đủ không gian tài chính để đạt được thỏa thuận nâng trần nợ với quốc hội ít nhất là đến tháng 6.

Tuy nhiên, trong một bức thư gửi cho Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, bà Yellen lưu ý rằng bà không đảm bảo các biện pháp này sẽ đạt hiệu quả. Bà cho biết việc ngăn chặn tình huống xấu nhất đòi hỏi chính quyền ông Biden, Thượng viện đảng Dân chủ và Hạ viện đảng Cộng hòa phải đi đến thống nhất về việc giới hạn nợ. Nhưng bà cũng lo ngại sự thống nhất này sẽ không mấy dễ dàng trước những chia rẽ đảng phái hiện tại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm