Bộ Công an ban hành Thông tư 57, quy định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ bốn chỗ ngồi trở lên phải trang bị phương tiện PCCC. Theo đó, các loại xe du lịch từ 4-9 chỗ bắt buộc phải có một bình cứu hỏa, thuộc một trong các loại như bình bột dưới 4 kg, bình bọt dưới 5 lít, bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5lít hoặc bình khí CO2 chữa cháy dưới 4 kg.
Phía công an khẳng định kiểm tra ráo riết các xe về việc tuân thủ theo quy định này kể từ ngày 6-1. Nếu các xe không trang bị đầy đủ có thể bị phạt từ 300.000 đến 500.000 đồng.
Không có bình, xe không được kiểm định?
Trước đó, có thông tin cho rằng nếu phương tiện giao thông không trang bị bình cứu hỏa thì sẽ không được đăng kiểm. Tuy nhiên, khẳng định trên báo Lao Động, Cục Đăng kiểm cho biết trang bị bình cứu hỏa trên xe ô tô không phải là điều kiện để đăng kiểm xe cơ giới.
Cục này chỉ chỉ đạo các trạm đăng kiểm nhắc nhở người dân về quy định này và chỉ kiểm tra về trang bị bình cứu hỏa đối với xe trên 16 chỗ ngồi và các loại xe téc. Do đó, xe cá nhân vẫn được kiểm định bình thường mà không tính tới đòi hỏi có thiết bị trên.
Sáng 6-1, Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn ra quân kiểm tra an toàn PCCC trên các phương tiện giao thông. Ảnh: VTC
Mặc dù theo quy định của Bộ GTVT, trong hạng mục đăng kiểm không có nội dung kiểm tra bình chữa cháy đối với xe 4-9 chỗ ngồi. Tuy nhiên, thực hiện theo Thông tư 57, dù thiết bị cơ giới đã được kiểm định nhưng khi kiểm tra trên đường thiếu trang bị bình cứu hỏa sẽ bị xử phạt hành chính.
Vì sao nhiều người phản đối?
Quy định trang bị bình cứu hỏa trên xe con vấp phải nhiều ý kiến phản đối, lý do chủ yếu là vì chính các tài xế cho rằng điều này là không cần thiết.
Theo ý kiến các hãng sản xuất ô tô, xe dưới chín chỗ ngồi trong thiết kế không có phần vị trí đặt bình cứu hỏa do không gian bên trong xe quá nhỏ, có thể gây nguy hiểm cho hành khách ngồi trong xe. Nếu muốn gắn bình, chủ xe bắt buộc phải đi “độ chế” xe, khá phiền hà và vướng víu.
Trên thế giới, rất ít quốc gia có quy định bắt buộc này, điển hình chỉ có vài nước như Nam Phi, Qatar, Quốc đảo Mauritius, Nigeria… Riêng các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Anh… ngay cả Singapore, Thái Lan nhà nhà sử dụng ô tô đều không bắt buộc xe nhỏ phải có bình cứu hỏa.
Ở Việt Nam, xe cơ giới khi nhập khẩu hay lắp ráp đều được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, trong đó có yêu cầu gắt gao về kỹ thuật trong PCCC, sử dụng vật liệu có khả năng chống cháy. Chính vì vậy, tỉ lệ vụ cháy nổ xảy ra trên xe con rất ít so với tổng lượng xe đang lưu hành. Trong năm 2015 xảy ra 123 vụ cháy ô tô trên tổng số 2,6 triệu chiếc lưu hành trên cả nước.
Theo một lãnh đạo Cục Đăng kiểm khuyến cáo, do thiết kế không gian xe bốn chỗ nhỏ hẹp nên khi xảy ra cháy nổ, cách tốt nhất là nhanh chóng thoát ra khỏi xe, tránh xa hiện trường chứ không phải lục tìm bình cứu hỏa.
Bình cứu hỏa gắn trên... trần xe.
Thực tế, việc chọn chỗ lắp bình cứu hỏa trên xe con để vừa dễ thao tác khi có sự cố, vừa không cản trở không gian, tầm nhìn, thao tác lái xe, tránh xa tầm tay trẻ em… là rất nan giải. Chưa kể gần đây do thị trường bình cứu hỏa mini hứa hẹn khoản lợi khủng nên đã xuất hiện loại bình giả tràn lan trên thị trường.
Dù mục đích của việc lắp đặt bình cứu hỏa trên xe là để bảo vệ con người, tài sản, song nếu không tính toán kỹ lộ trình áp dụng, quản lý lỏng lẻo thì e rằng sẽ lợi bất cập hại.
Bình chữa cháy như thế nào là chuẩn? Từ trước khi Thông tư 57 được áp dụng chính thức, nhiều cửa hàng bán thiết bị PCCC đã chuẩn bị và tung ra thị trường nhiều loại bình chữa cháy mini, phục vụ khách hàng. Trên thị trường hiện có nhiều loại bình chữa cháy trong đó chủ yếu là bình khí CO2, bình bột MFZ với các kích cỡ khác nhau. Đối với ô tô con loại kích thước thông dụng là từ 500-1.000 ml. Xuất xứ các loại bình này cũng khá phong phú, từ bình Nhật, Ý, Đức, Israel kể cả Việt Nam nhưng chiếm lĩnh vẫn là bình Đài Loan (Trung Quốc). Giá cả là yếu tố “biến động” nhất của loại thiết bị này. Người mua có thể chỉ cần tốn từ 70.000-140.000 đồng là có thể có một chiếc bình cứu hỏa. Tuy nhiên, khuyến cáo từ Cục PCCC, người tiêu dùng nên đến các cửa hàng có uy tín, chọn loại bình có xuất xứ rõ ràng, có dán tem nhập khẩu, tem bảo hành và tem kiểm định của Bộ Công an. Giá bán dao động 320.000-350.000 đồng mỗi bình (loại nhỏ). Cá biệt có bình châu Âu giá đến hơn 1 triệu đồng. Hạn sử dụng của bình cứu hỏa cũng rất quan trọng, thời hạn bảo hành từ 6-12 tháng. Nếu bình quá hạn khi sử dụng sẽ không hiệu quả, thậm chí gây nguy hiểm. |