Theo đó, các địa phương phải chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp heo mắc bệnh. Tuân thủ việc lấy mẫu để xác định chính xác bệnh. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo và sản phẩm từ heo.
Ngoài ra cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch cho người dân hiểu rõ để người dân chủ động phòng dịch, không hoang mang, không bán chạy heo chết ra ngoài thị trường.
Cơ quan chức năng chôn hủy số heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi tại xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo. Ảnh: LÊ ÁNH
Trước đó, tỉnh Bình Dương đã phát hiện hai ổ dịch tả heo châu Phi tại xã Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo). Ngay sau khi phát hiện, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng tiến hành chôn hủy các đàn heo mắc bệnh. Tổ chức tiêu độc, khử trùng và thực hiện các biện pháp khống chế các khu vực lân cận có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương đã thành lập nhiều chốt kiểm soát dịch bệnh động vật tạm thời tại các cửa ngõ ra vào tỉnh Bình Dương. Đặc biệt là những con đường tiếp giáp với tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.
Các trạm kiểm dịch hoạt động 24/24 để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc vận chuyển động vật ra vào địa bàn tỉnh.