Trong khi TP.HCM đang tiến hành chi trả tiền bồi thường cho người dân trong dự án đường vành đai 3 và đã thu hồi hơn 60% mặt bằng thì Bình Dương vừa phê duyệt đơn giá đất để bồi thường cho hơn 1.500 hộ dân. Các địa phương nơi có dự án đi qua đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị chi trả tiền bồi thường, sớm thu hồi đất để kịp tiến độ khởi công dự án.
Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An đang tăng tốc
TP Thủ Dầu Một có 12,6 ha nằm trong phạm vi đường vành đai 3, với 319 hộ dân bị ảnh hưởng. Kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) dự kiến là 1.659 tỉ đồng. Hiện TP Thủ Dầu Một đã công bố thông báo thu hồi đất đến các cá nhân và tổ chức có liên quan.
Bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một, cho biết: TP đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai, thực hiện công tác bồi thường, GPMB.
Còn tại TP Dĩ An, phạm vi thu hồi đất thuộc hai phường Bình An và Bình Thắng (22,2 ha), tổng kinh phí GPMB là 6.412 tỉ đồng. Dự án sẽ thu hồi đất của 508 trường hợp.
Trong đó có khoảng 50% trường hợp có nhà bị giải tỏa trắng hoặc phần diện tích đất còn lại không đủ xây dựng nhà ở. Chính quyền TP Dĩ An đã chuẩn bị 284 nền đất tại sáu khu tái định cư trên địa bàn để bố trí tái định cư cho người dân trong dự án.
Ông Nguyễn Thanh Huy, Phó Chủ tịch UBND TP Dĩ An, cho biết: TP vừa tổ chức hội nghị công bố phương án bồi thường cho người dân, sau đó bắt đầu áp giá chi trả tiền bồi thường. “Tuy nhiên, hiện chúng tôi đang gặp vướng mắc trong vấn đề về giá bồi thường cho người dân do có sự chênh lệch giá đất giữa TP Thủ Đức và TP Dĩ An” - ông Huy nói.
Theo ông Huy, toàn bộ người dân đều đồng thuận với việc thu hồi đất để thực hiện dự án nhưng hiện tại người dân đang so sánh giá đất tại TP Dĩ An với TP Thủ Đức. Tuy nhiên, giá đất mỗi địa phương là khác nhau, có nơi TP Dĩ An cao hơn TP Thủ Đức nhưng có những nơi TP Thủ Đức lại cao hơn.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đi thực tế chỉ đạo tiến độ triển khai dự án đường vành đai 3. |
“Thời gian tới, lãnh đạo địa phương sẽ chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện các thủ tục. Sau khi áp giá, niêm yết công bố công khai giá rồi nhanh chóng chi trả tiền cho người dân” - ông Huy nói thêm.
Tại TP Thuận An, quy mô dự án đường vành đai 3 đi qua là 51 ha và có 764 trường hợp bị ảnh hưởng. Trong đó có 205 trường hợp bị giải tỏa trắng đủ điều kiện hưởng chính sách tái định cư. Tổng kinh phí GPMB dự kiến khoảng 4.992 tỉ đồng.
Hiện nay địa phương này đã hoàn thành công tác đo đạc đất đai, rà soát, chỉnh lý, kiểm kê tài sản, xây dựng dự thảo chứng thư định giá đất bồi thường. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An, cho biết địa phương đang tập trung thực hiện áp giá và tiến hành chi trả tiền bồi thường cho người dân vào giữa tháng 6.
“Trước mắt sẽ tập trung chi trả tiền bồi thường cho các trường hợp tại nút giao Bình Chuẩn và cầu Bình Gởi. Sau đó tiếp tục chi trả các đoạn khác, cố gắng đến cuối năm hoặc quý I-2024 chi trả xong” - ông Tâm cho biết thêm.
Nỗ lực đến cuối tháng 6 khởi công
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương, hiện nay hơn 1.500 thông báo thu hồi đất đã được gửi đến các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án. Tổng kiểm kê đạt tỉ lệ 97%, còn lại các trường hợp chưa kiểm kê được là do vắng chủ, dự kiến đến cuối tháng 5-2023 sẽ hoàn thành.
Ngày 22-5, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành các quyết định phê duyệt đơn giá đất để bồi thường đất, thực hiện dự án đường vành đai 3. Theo đó, tại TP Thủ Dầu Một, đơn giá đất bồi thường cao nhất là trên 42 triệu đồng/m2 đất thổ cư (tùy từng vị trí).
Tại TP Thuận An, đơn giá cao nhất là 41,7 triệu đồng/m2 đất thổ cư. Trong khi tại TP Dĩ An, đơn giá cao nhất khoảng hơn 41,9 triệu đồng/m2. Các địa phương đang khẩn trương làm các thủ tục để chi trả tiền bồi thường theo quy định.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương cho biết hiện nay đơn vị đã đăng báo đấu thầu được hai gói thầu (cầu Bình Gởi và nút giao Bình Chuẩn). Dự kiến mở thầu vào giữa tháng 6 và phấn đấu lập các thủ tục có thể khởi công trong cuối tháng 6-2023.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết đường vành đai 3 đi qua Bình Dương là trục đường chiến lược vùng Đông Nam Bộ, là cửa ngõ hết sức quan trọng. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt công tác bồi thường, GPMB.
“Đối với việc bố trí tái định cư, các địa phương cũng rà soát các nền tái định cư còn thiếu để có phương án bố trí đầy đủ, bảo đảm quyền lợi của người dân, kịp thời bàn giao để người dân ổn định cuộc sống. Tỉnh cũng yêu cầu xây dựng nơi tái định cư phải kết nối tốt với các tiện ích như chợ, trường học... để người dân không bị thiệt thòi với tinh thần bảo đảm nơi ở mới phải bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ” - ông Minh nói.•
Hơn 19.280 tỉ đồng và hơn 1.500 trường hợp bị ảnh hưởng
Dự án đường vành đai 3 đoạn đi qua tỉnh Bình Dương đi qua ba địa phương (TP Thủ Dầu Một, TP Dĩ An và TP Thuận An), có chiều dài toàn tuyến khoảng 26,6 km, gồm hai dự án: Dự án thành phần 5 (từ nút giao Tân Vạn đến cầu Bình Gởi) và dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư).
Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 19.280 tỉ đồng. Trong đó, dự án thành phần 5 là 5.752 tỉ đồng, dự án thành phần 6 là 13.528 tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Hiện tại, tỉnh Bình Dương đang gấp rút hoàn tất dự án thành phần 6.
Tuy nhiên, tỉnh Bình Dương cho biết các thủ tục và công việc liên quan đến dự án này còn khá lớn. Các đơn vị địa phương cũng đang nỗ lực để kịp tiến độ đề ra. Trong khi đó, hơn 1.500 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án này cũng đang chờ được áp giá bồi thường hợp lý, chi trả tiền bồi thường và bố trí tái định cư để sớm ổn định cuộc sống.