Bình Dương: Rất nhiều người bị chó cắn, người dân bức xúc

(PLO)- Có rất nhiều người bị chó cắn phải đi tiêm phòng dại. Người dân rất bức xúc vì nạn chó thả rông.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện nay, rất nhiều các hộ gia đình trong các khu dân của tỉnh Bình Dương nuôi chó mèo, có nhà nuôi đến vài con nhưng hàng ngày không nhốt trong chuồng hoặc xích lại mà vẫn vô tư thả rông.

Việc thả rông chó để phóng uế bừa bãi, gây mất mĩ quan đô thị mà còn tấn công gây bị thương cho người dân, trẻ nhỏ. Nguy hiểm hơn có thể gây ra chết người.

Mặc dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền rất nhiều nhưng người dân vẫn vô tư thả chó ra đường.

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng đã thành lập đội chuyên bắt chó thả rông, nhưng vấn nạn này vẫn chưa hề giảm bớt.

Ám ảnh vì chó

Bà Trần Thị Minh sinh sống tại xã Lai Hưng, (huyện Bàu Bàng, Bình Dương) cho biết các hộ dân nơi bà sinh sống nuôi chó rất nhiều, nhưng không nhốt lại mà toàn thả rông. Chưa kể nhiều nhà còn không chịu tiêm phòng cho vật nuôi của mình.

chó thả rông (2).jpg
Một người dân tại xã Lai Hưng (huyện Bàu Bàng, Bình Dương) bị hai con chó đuổi theo tấn công khi đang đi trên đường. Ảnh: HẢI NHI

Bà Minh cho biết thêm, bà đã từng 3 lần bị chó cắn, nhưng cũng chỉ trầy xước nhẹ nên bà cũng chỉ rửa sát trùng mà không đi tiêm phòng dại. Rất may mắn là không bà đã không mắc bệnh.

“Ra đường là thấy chó, người lớn nhiều khi còn sợ nữa là con nhỏ. Nhà tôi không bao giờ dám để trẻ con ra đường chơi một mình, chỉ sợ chó cắn”, bà Minh bức xúc nói.

Cũng ám ảnh về nạn chó thả rông như bà Minh, bà Trần Thị Kim Oanh (thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương) cho hay cháu trai (3 tuổi) đang ngồi trên xe đẩy chơi ngoài đường, thì bất ngờ bị hai con chó lao đến tấn công.

Lúc đó, may có người lớn ở đó kịp thời can thiệp nên cháu bé chỉ bị cào chảy máu, chưa để xảy ra sự việc đáng tiếc. Sau đó, gia đình đã phải đưa cháu bé đi tiêm phòng dại ngay.

“Mấy con chó dữ cứ thấy trẻ nhỏ là lao vào cắn, nếu không có người lớn ở đó thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Giờ tôi rất sợ chó”, bà Oanh nói.

chó thả rông (1).jpg
Trong khu dân cư tại phường Tương Bình Hiệp có rất nhiều chó thả rông, khiến trẻ em không dám ra ngoài chơi. Ảnh: LÊ ÁNH

Còn theo một số người dân tại phường Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), người dân nuôi chó rất nhiều. Cứ buổi chiều là thấy cả đàn chó ra đường. Trẻ con không dám ra đường chơi vì sợ chó. Nhiều lúc có người đi xe máy chạy trên đường là mấy con chó ùa nhau ra đuổi khiến nhiều người, đặc biệt là phụ nữ hoảng sợ suýt nữa thì té ngã.

Bà Trần Thị Chung (phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết: “Mỗi buổi sáng dậy, trước cửa nhà rất nhiều phân chó, tôi phải đi dọn một lúc mới xong. Nuôi chó mà cứ thả rông vậy thì rất bẩn, nói ra thì mất lòng hàng xóm”.

Bà Chung cho biết thêm: “Nhiều lúc đang ở trong nhà nghe tiếng trẻ em khóc thét lên. Lúc chạy ra thì thấy mấy con chó đang vây quanh bé nhỏ, may mà người lớn chạy ra kịp”.

Nhiều người nghi mắc bệnh dại phải đi tiêm phòng

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, từ năm 2022 đến nay, không ghi nhận ca bệnh dại nào trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhưng lại có sự gia tăng về số ca nghi ngờ mắc bệnh dại.

chó thả rông (3).jpg
Số người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng dại tại Bình Dương tăng cao. Ảnh: HẢI NHI

Trong đó, năm 2023 số người bị chó, mèo cắn nghi mắc bệnh dại phải đi tiêm phòng là hơn 15.000 mũi. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, số người nghi mắc bệnh dại đi tiêm phòng lên tới 4.500 mũi.

Rất may mắn là ở Bình Dương chưa có trường hợp tử vong vì bị chó mèo cắn nhưng một số tỉnh đã xảy ra nhiều trường hợp tử vong.

Cũng theo lãnh đạo đơn vị này, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương chó thả rông liên tục xuất hiện, thậm chí còn đuổi theo người dân đi đường khiến người đi đường không khỏi lo lắng.

Một số người dân phải đi tiêm phòng, do bị chó thả rông cào, cắn trúng tay, chân. Đây có thể là nguyên nhân khiến nhiều người nghi ngờ mắc bệnh phải đi tiêm phòng.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết thêm, để nâng cao chất lượng phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, đơn vị này đã chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị trực thuộc cùng với cơ quan thú y khuyến cáo, tuyên truyền người dân tăng cường chất lượng công tác phòng chống bệnh dại; nhấn mạnh vai trò của việc tiêm vaccine phòng dại và các bước xử lý chuẩn vết thương khi bị chó mèo tấn công theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế.

Tại Bình Dương, để chỉnh trang đô thị, đảm bảo an toàn giao thông và phòng ngừa việc người dân bị chó tấn công, một số địa phương đã thành lập đội chuyên bắt chó thả rông.

bắt chó thả rông (1).jpg
Phường Tân Đông Hiệp (TP Dĩ An, Bình Dương) đã thành lập đội chuyên bắt chó thả rông. Ảnh: LA

Đồng thời, các tổ này cũng tuyên truyền vận động chủ vật nuôi tiêm phòng bệnh dại. Đảm bảo biện pháp nuôi nhốt an toàn không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn giao thông.

Tuy nhiên, theo ghi nhận việc làm này vẫn chưa được nhiều địa phương thực hiện hoặc chỉ thực hiện trong thời gian đầu, không quyết liệt. Nhiều người vẫn vô tư thả chó ra đường, khiến người dân bức xúc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm