Bộ ba Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha kích hoạt ‘hành lang xanh’ đối phó khủng hoảng năng lượng

(PLO)- Lãnh đạo ba nước Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã nhất trí về kế hoạch xây dựng đường ống kết nối giữa Barcelona và Marseille nhằm vận chuyển khí hydrogen xanh và các loại khí tái tạo khác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hãng Reuters đưa tin ba nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp ngày 20-10 thông báo kế hoạch xây dựng một đường ống trên biển để vận chuyển hydrogen và khí đốt giữa Barcelona (Tây Ban Nha) và Marseille (Pháp) nhằm thay thế cho kế hoạch đường ống mang tên MidCat dẫn qua dãy núi Pyrenees mà Paris phản đối.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez (trái), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa (phải). Ảnh: AFP

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez (trái), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa (phải). Ảnh: AFP

Kế hoạch trên được công bố trong cuộc gặp giữa ba nhà lãnh đạo Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp ở Brussels. Ba nhà lãnh đạo cũng đồng ý sẽ họp một lần nữa tại Alicante (Tây Ban Nha) vào ngày 9-12 để quyết định thời gian xây dựng và vấn đề tài chính.

Theo Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa, đường ống trên, gọi tắt là BarMar, chủ yếu vận chuyển khí hydrogen xanh và các loại khí tái tạo khác. Ngoài ra, nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, đường ống BarMar cũng sẽ tạm thời được sử dụng để vận chuyển “một số lượng giới hạn” các khí đốt tự nhiên.

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định đường ống BarMar là "câu trả lời trước những lời kêu gọi đoàn kết từ các đối tác châu Âu bất chấp sự hăm dọa của [Tổng thống Nga Vladimir] Putin".

Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh điều khẩn thiết bây giờ là châu Âu phải thống nhất.

Kế hoạch đường ống MarBar đã giúp giải quyết mối quan hệ căng thẳng giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha với Pháp liên quan tới đường ống MidCat. Theo đó, hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mong muốn mở rộng đường ống MidCat để có thể bán khí đốt cho Trung Âu, trong khi Pháp lập luận rằng quá trình xây dựng đường ống mất quá nhiều thời gian để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn hiện tại.

“Đó là tin tốt, một trong những trở ngại lâu đời nhất của châu Âu đã vượt qua” - ông Costa nhận định.

Ngoài ra, Tây Ban Nha và Pháp cũng đồng ý tăng cường kết nối lưới điện qua Vịnh Biscay, đồng thời bày tỏ hợp tác trong các dự án điện khác giữa hai quốc gia.

Theo công ty tư vấn Wood Mackenzie, Tây Ban Nha chiếm 20% tổng số đầu tư toàn cầu vào hydrogen xanh trong quý đầu tiên của năm 2022, chỉ đứng sau nước Mỹ. Ông Maarten Wetselsaar, giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Cepsa - một trong những công ty Tây Ban Nha đang phát triển hydrogen xanh, cho hay thỏa thuận trên đưa Madrid trở thành trung tâm chiến lược giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga của châu Âu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm