Bộ Công an kết luận về phòng chống ma túy ở Đồng Nai

Nguồn tin Báo Pháp luật TP.HCM cho biết Bộ Công an vừa có văn bản kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy tại tỉnh Đồng Nai.

Cai nghiện tự nguyện chỉ mang tính hình thức

Theo đó, từ ngày 11-4 đến 17-5, Đoàn thanh tra liên ngành (Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế) đã tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy (PCMT) đối với ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai và 7 cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thuộc quyền quản lý của UBND Tỉnh.

Theo kết luận thanh tra, tỉnh Đồng Nai có 158/171 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy; số người tái nghiện, đang quản lý sau cai nghiện ma túy phạm tội bị bắt trên địa bàn toàn tỉnh vẫn ở mức cao.

Quá trình Thanh tra phát hiện, vẫn có đơn vị, địa phương không xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện một số chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện nhưng Chủ tịch UBND tỉnh không kiểm tra, phát hiện để chấn chỉnh kịp thời.

Về công tác điều trị cai nghiện, đoàn Thanh tra khẳng định các huyện được thanh tra chưa tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo quy định. Mặc dù UBND 2 phường (Long Bình và Trảng Dài) thuộc thành phố Biên Hòa đã tổ chức cho người nghiện ma túy đăng ký tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình, nhưng không thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy theo quy định, do đó việc cai nghiện tự nguyện tại gia đình chỉ mang tính hình thức, không triển khai trên thực tế.

Đặc biệt, UBND tỉnh chưa định kỳ kiểm tra việc lập hồ sơ đề nghị và thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Trong khi cơ sở vật chất còn hạn chế, công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai có thời điểm chưa hiệu quả. Trong thời gian ngắn (năm 2016) đã xảy ra liên tiếp ba vụ học viên kích động, gây rối, đập phá tài sản, chống người thi hành công vụ và bỏ trốn khỏi cơ sở gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Nhiều sai sót được chỉ ra sau sự việc nhiều người nghiện trốn trại ở tỉnh Đồng Nai vừa qua.

"Việc phối hợp tổ chức truy bắt sau khi học viên bỏ trốn chưa triệt để (còn 173 học viên chưa bắt được). Sau khi học viên chống phá, trốn tập thể, nhiều học viên đã được cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi chưa có đủ căn cứ theo quy định của Nghị định 221/2013 của Chính phủ về quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc..."- kết luận Bộ Công an nêu rõ.

Sở Y tế đã thẩm định cấp giấy phép hoạt động cho 4 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế chưa đảm bảo quy định, như: Thành lập Đoàn thẩm định không đủ thành phần theo quy định của Bộ Y tế. Có 2 cơ sở chưa đáp ứng đủ điều kiện về trang thiết bị...

Chi tiền để phục vụ mục đích cá nhân

Bộ Công an cũng kết luận cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai chi gần 190 triệu đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh để mua xăng xe cho cán bộ, nhân viên (phục vụ cá nhân) là không đúng quy định.

Bên cạnh đó, năm 2015, Công an tỉnh đã duyệt quyết toán cho Công an huyện Trảng Bom chi số tiền gần 90 triệu đồng cho công tác hỗ trợ điều tra 15 vụ án ma túy và Công an TP Biên Hòa chi số tiền hơn 130 triệu đồng từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia cho công tác cai nghiện ma túy tại gia đình cũng chưa đúng nội dung quy định.

"Để xảy ra những tồn tại, thiếu sót nêu trên Bộ Công an khẳng định trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện, xã được thanh tra.

Trách nhiệm liên đới thuộc người đứng đầu các cơ quan đơn vị có nhiệm vụ giúp Chủ tịch UBND Tỉnh thực hiện các mặt công tác chuyên môn có liên quan đến PCMT theo quy định của pháp luật, như Công an, Sở LĐ-TB&XH; Sở Y tế; Sở TT&TT; cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai và những cán bộ trực tiếp tham mưu, đề xuất, giải quyết công việc có liên quan đến những tồn tại, thiếu sót..."- Bộ Công an nhận định.

Trên cơ sở đó, Bộ công an kiến nghị các tổ chức sớm khắc phục có hiệu quả các tồn tại đã nêu trong kết luận; tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ có liên quan, đề ra các giải pháp phù hợp khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót được nêu trong biên bản ghi nhận kết quả thanh tra ở từng đơn vị, địa phương.

Bộ Công an cũng đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, Công an tổ chức họp rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ có liên quan đến việc chi tiền không đúng quy định. Đồng thời tổ chức thu hồi số tiền đã chi sai, để đảm bảo việc quản lý, thu, chi tài chính hiệu quả, đúng pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm