Theo yêu cầu của Chính phủ, trước 20-11-2022, các dự án thành phần thuộc tuyến đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 phải hoàn thành các thủ tục cần thiết để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên đến nay tiến độ dự án đang chậm so với dự kiến.
Cụ thể, trong tháng 10, chính quyền hai tỉnh này lẽ ra phải hoàn thành công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, bàn giao cọc giải phóng mặt bằng… nhưng đến nay vẫn chưa xong các thủ tục trên.
Hướng đi tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. |
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo các đơn khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai, đảm bảo bảo phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần theo tiến độ đề ra.
Theo Bộ GTVT, tính đến ngày 24-10-2022, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã hoàn thành khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn.
Dự án thành phần 1 (Đồng Nai làm chủ đầu tư) và dự án thành phần 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư) hoàn thành thiết kế cơ bản. Dự án thành phần 2 (Bộ GTVT là cơ quan chủ quản) đã hoàn thành thiết kế cơ bản và bàn giao cọc cho địa phương 9,5 km/18,2 km.
Trong khi đó, Ban quản lý dự án 85 cũng vừa có tờ trình đề nghị Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 2. Theo đó, dự án thành phần này chạy gần như song song Quốc lộ 51 hiện tại và đi qua các xã Long An, Long Phước, Phước Thái, Tân Hiệp, Phước Bình thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với tổng chiều dài khoảng 18,2 km, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Theo tính toán, tổng mức đầu tư dự án thành phần 2 là 8.555 tỉ đồng, từ ngân sách nhà nước. Dự kiến dự án chuẩn bị đầu tư từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài hơn 53 km, có điểm đầu tại tuyến tránh quốc lộ (QL) 1 đoạn qua TP Biên Hòa, điểm cuối tại nơi giao với QL56 thuộc TP Bà Rịa. Trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 34,2 km, qua địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dài 19,5 km.
Dự án có ba dự án thành phần, sơ bộ tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 17.837 tỉ đồng, giảm 1.779 tỉ đồng so với đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP do giảm chi phí lãi vay và cập nhật tiến độ dự án. Như vậy, suất đầu tư dự án trung bình 154 tỉ đồng/km, thấp hơn quy định của Bộ Xây dựng và tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (210 tỉ đồng/km).