Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long về kiến nghị của cử tri liên quan đến việc cần quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đặc biệt cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Nhiều dự án công trình giao thông phía Nam chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Trả lời về vấn đề này, Bộ GTVT khẳng định trong những năm qua nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL đã hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố an ninh - quốc phòng của khu vực.
Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện vẫn còn hạn chế, tạo thành những điểm nghẽn về giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL .
Để tháo gỡ được những điểm nghẽn nêu trên giúp ĐBSCL phát triển một cách bền vững, sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa phát triển của cả nước, Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ rà soát, đánh giá để xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải, chiến lược phát triển cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đang hoàn thiện đề án kết nối mạng giao thông các tỉnh vùng ĐBSCL.
Trong đó sẽ đề xuất danh mục các công trình giao thông thực sự quan trọng, cấp bách cần ưu tiên đầu tư giai đoạn tiếp theo để trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận làm cơ sở thực hiện.
Bộ cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong vùng nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội các cơ chế, chính sách cũng như tập trung bố trí nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm của vùng, kết nối đồng bộ giao thông liên vùng giữa ĐBSCL với TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ và cả nước nói chung, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội góp phần củng cố an ninh - quốc phòng của khu vực.
Đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ GTVT đã triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT từ năm 2015. Tuy nhiên, dự án bị chậm tiến độ do có nhiều vướng mắc vượt quá thẩm quyền của Bộ GTVT.
Cụ thể, vướng mắc về hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, vướng mắc về lãi suất vay vốn tính toán theo quy định pháp luật thấp hơn nhiều so với lãi suất vay thực tế…
Trước những khó khăn của dự án, Chính phủ giao UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục triển khai dự án để thuận tiện trong công tác GPMB, chuẩn bị nguồn vật liệu, chỉ đạo nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo thông tuyến năm 2020. Đồng thời chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho dự án.
Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang đã phối hợp để điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, làm việc với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về phần vốn Nhà nước, đồng thời làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại về phần vốn vay. Theo kế hoạch được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt tại Quyết định số 2463/2019, sẽ đảm bảo cơ bản thông tuyến năm 2020 và hoàn thành đưa vào khai thác quý II năm 2021 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.