Bộ Công an vừa công bố dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp. Đáng chú ý, trong đó có việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (gọi tắt là cơ sở dữ liệu).
Sổ hộ khẩu đang gây tốn kém, lãng phí…
Theo Bộ Công an, quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu như hiện nay đang gây tốn kém, lãng phí. Với người dân, khi họ cần di chuyển hoặc tìm cơ hội sinh sống, làm việc ở nơi khác thì phải khai báo, thay thế, lưu chuyển giấy tờ liên quan tới sổ hộ khẩu một cách thủ công và mất nhiều thời gian. Còn với Nhà nước, việc duy trì các bộ phận quản lý chuyên trách ở nhiều cấp để thực hiện các công đoạn quản lý sổ hộ khẩu dẫn tới bộ máy hành chính cồng kềnh, tốn kém ngân sách.
Ngược lại, nếu sử dụng mã số định danh cá nhân để quản lý dân cư sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm chi phí.
Hiện công dân đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như CMND, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, bằng lái xe… Khi cơ sở dữ liệu được hoàn thành, công dân không cần mang theo các loại giấy tờ trên mà chỉ mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân.
Theo tính toán sơ bộ, nếu bỏ sổ hộ khẩu sẽ tiết kiệm chi phí cho dân khoảng 1.600 tỉ đồng/năm từ việc khai nhiều lần các thông tin cơ bản, sao, chụp hoặc chứng thực bản sao.
Ngoài ra, sử dụng số định danh cá nhân vào quản lý dân cư sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử (hoặc phương tiện điện tử), mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành trên một thẻ (hoặc phương tiện điện tử). Thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu sẽ làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư ngân sách nhà nước…
Theo Bộ Công an, xây dựng cơ sở dữ liệu là dự án quy mô lớn, tính chất phức tạp, phạm vi triển khai rộng khắp với tổng mức đầu tư là 3.367 tỉ đồng.
Theo Bộ Công an, quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu như hiện nay đang gây tốn kém, lãng phí. Ảnh: HTD
Khi nào bỏ sổ hộ khẩu?
Báo cáo của Bộ Công an cũng nêu rõ hiện nay cơ quan này đã xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và TP.HCM; tổ chức cấp hơn 8 triệu số định danh cá nhân tại 16 tỉnh/TP trực thuộc trung ương thông qua công tác cấp căn cước công dân và phối hợp với Bộ Tư pháp cấp hơn 900.000 số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh tại 18 địa phương.
Theo dự kiến, đến năm 2020, cơ sở dữ liệu sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng.
Đánh giá về đề xuất trên, luật sư (LS) Bùi Đình Ứng, Đoàn LS TP Hà Nội, cho rằng đây là sự tiến bộ trong quá trình cải cách thủ tục hành chính. Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy rất nhiều nước trên thế giới và khu vực áp dụng từ lâu.
“Cuốn sổ hộ khẩu ràng buộc người dân quá nhiều, quyền lợi gì cũng phải liên quan đến hộ khẩu, bỏ cuốn sổ hộ khẩu, ai cũng sẽ ủng hộ” - LS Ứng nói.
Theo ông, bỏ sổ hộ khẩu thay bằng mã số định danh cá nhân sẽ thuận tiện, dễ dàng hơn cho công tác quản lý dân cư, thuận lợi trong việc truy cập, tra cứu, xử lý, giải quyết thủ tục hành chính; các cơ quan, cán bộ đều có thể kiểm tra được.
Bộ Công an còn đề xuất bãi bỏ một số thủ tục hành chính liên quan tới đăng ký, quản lý cư trú (tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu…). Việc bãi bỏ sẽ xóa cơ bản các thủ tục hành chính mang tính quan liêu, rườm rà, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây phiền hà cho người dân; hoàn thiện các thủ tục hành chính mới theo hướng công khai, đơn giản, tiết kiệm thời gian và thuận tiện cho đối tượng phục vụ, tạo sự chuyển biến căn bản trong quan hệ giải quyết thủ tục hành chính giữa cơ quan nhà nước với người dân, tiết kiệm chi phí cho người dân. |