Trở lại vạt rừng keo lá tràm nằm giáp ranh giữa hai xã A Ting và Jơ Ngây (Đông Giang, Quảng Nam) nơi bò tót xuất hiện mấy ngày trước, phóng viên ghi nhận nhiều dấu chân, phân bò tót vẫn còn khá rõ. Cây cối quanh một khoảng rộng chừng 4 m2 bị rạp xuống là nơi con bò tót nằm nghỉ.
Bò tót “trở về”
Ông A Lăng Thiên, Phó Chủ tịch UBND xã Jơ Ngây, cho biết: Ngày 10-3, người dân phát hiện một con vật to lớn đứng gặm cỏ tại khoảng rừng keo lá tràm, cách đường bê tông chưa đến một cây số. “Đó là một con vật to lớn, cặp sừng dài, bốn chân màu trắng nhưng không biết rõ là con gì. Thấy nhiều người kéo đến xem, nó bỏ chạy vào rừng” - ông Thiên nói. Mấy ngày sau, người dân trong vùng chạy đến báo với chính quyền xã là nhiều diện tích hoa màu ở thôn Phú Mưa bị phá mà họ nghi là do trâu, bò ăn. Nghĩ thủ phạm là trâu, bò thôn kế bên nên cả làng kéo nhau đến thôn Brùa bắt đền. Thế nhưng người làng Brùa không nhận, nói là trâu, bò họ giữ rất kỹ, không thả rông. Bà con liền tổ chức thành các nhóm mang theo đèn pin đi phục kích bắt kẻ phá hoại mùa màng.
“Họ về báo phát hiện con vật đến ăn hoa màu không phải trâu, cũng không phải bò. Nó giống với con vật thường xuyên xuất hiện ở rừng keo lá tràm”. Đến đây, ông Thiên khẳng định nó là một con bò tót nên báo cáo với huyện và kiểm lâm để phối hợp bảo vệ.
Bò tót xuất hiện tại vùng rừng keo lá tràm ở xã Jơ Ngây. (Ảnh cắt từ clip của một thầy giáo ở địa phương)
Vết chân của bò tót khá to, in sâu xuống đất.
Theo ông Thiên, đây là lần thứ hai sau hơn 40 năm, bò tót mới trở lại vùng đất này. “Tôi nghe các già làng kể lại hồi chiến tranh (năm 1966), người làng phát hiện một con vật “nửa trâu, nửa bò” rất hung dữ. Nó từng húc lòi ruột một chiến sĩ giải phóng. Trong một lần đối diện với con vật, một người trong làng đã dùng súng bắn hạ con vật đó tại suối A Tắt”.
Ông Lê Công Bé, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang, xác nhận: Chiều 9-4, bò tót lại tiếp tục xuất hiện ở thôn Sông Voi. Con vật tỏ ra mạnh dạn, không sợ sệt. Khu vực nơi bò tót xuất hiện nằm giữa vùng đệm của Khu bảo tồn Sao La (Quảng Nam) và Vườn quốc gia Bạch Mã. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cá thể bò tót này từ vùng rừng biên giới Việt-Lào bị lạc đàn.
Khốn khổ với con bò tót
Từ ngày có bò tót, cuộc sống của người dân Jơ Ngây và A Ting bị đảo lộn. “Bình thường tôi đi làm rẫy đến 6 giờ tối mới về nhưng giờ khoảng 4 giờ phải về rồi. Về tối sợ gặp phải bò tót thì nó húc cho lòi ruột” - ông A Lăng Arong (thôn Phú Mưa) lo lắng. Gần ba sào rẫy trỉa bắp đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch của gia đình ông đã bị bò tót chén hết trong một đêm. “Gia đình tôi mua hơn 7,5 kg bắp giống về trỉa, tưởng được ấm cái bụng. Giờ hết vụ, không biết lấy cái gì để ăn” - Zơ Râm Bích (vợ Arong) ngao ngán. Người làng lo, không dám cho con nít đi chơi xa. Ai ra đường ban đêm cũng nơm nớp sợ chạm trán với bò tót.
“Mấy ngày gần đây, bò liên tục về ăn bắp non. Giờ bắp đã lớn nên nó chuyển sang ăn rau lang, đậu ván… Thống kê sơ sơ bò tót đã ăn hết 36,5 sào hoa màu của người dân. Hiện chúng tôi đang làm đơn xin huyện hỗ trợ thiệt hại cho bà con nhưng chưa được phê duyệt”. Cũng theo ông Thiên, địa phương đang rất nóng ruột chờ phương án bảo vệ đối với cá thể bò tót vì không thể để nó ăn hết rau màu. Sợ người dân tức giận, tấn công bò tót nên huyện Đông Giang đã họp tất cả 10 thôn trong vùng đến để phổ biến phương án bảo vệ loài động vật quý hiếm này. Ngoài ra, nếu phát hiện có người lạ xuất hiện ở địa phương thì người dân phải báo ngay cho kiểm lâm hoặc xã, đề phòng các thợ săn đến săn trộm.
Tìm phương án cứu hộ
Nhiều chuyên gia về động vật học đã cảnh báo phương án cứu hộ không hợp lý sẽ dẫn đến cái chết như cá thể bò tót được phát hiện ở sân bay Phú Bài (Thừa Thiên-Huế) hồi tháng 7-2012. Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, thông tin: “Tôi đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ NN&PTNT về sự xuất hiện của cá thể bò tót quý hiếm này. Đồng thời, đề nghị Bộ cử chuyên gia vào hỗ trợ, bảo vệ bò tót, giúp nó sớm tái nhập đàn”. Theo ông Tuấn, phía kiểm lâm tỉnh cũng tham mưu nhiều giải pháp, trong đó có việc di chuyển cá thể bò tót này về Vườn quốc gia Nam Cát Tiên hoặc ra Quảng Trị (nơi có nhiều đàn bò tót sinh sống). “Phương án thứ hai là dụ dỗ nó quay về vùng rừng núi thuộc biên giới Việt-Lào để gặp đàn. Cách này đỡ tốn kém và cũng dễ thực hiện hơn” - ông Tuấn lưu ý.
Chiều 10-4, ông Nguyễn Ngọc Truyền - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tỉnh vừa mới nhận được báo cáo của Chi cục Kiểm lâm liên quan đến việc cá thể bò tót xuất hiện ở vùng rừng giáp ranh giữa hai xã A Ting và Jơ Ngây (Đông Giang). Tỉnh sẽ xem xét xử lý trên cơ sở những đề xuất, tham mưu của phía kiểm lâm”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Bộ NN&PTNT cũng đang xem xét để cử chuyên gia vào hỗ trợ Quảng Nam cứu hộ cá thể bò tót trong thời gian sớm nhất, tránh gây nguy hại đến cá thể động vật quý hiếm này cũng như đời sống người dân ở Đông Giang.
TẤN TÀI
Năm 2009, bò tót xuất hiện ở vùng đệm Vườn quốc gia Phước Bình, thôn Bạc Rây, xã Phước Bình (huyện Bác Ái, Ninh Thuận) khiến người dân, chính quyền địa phương hoang mang, lo lắng vì những tác oai tác quái của nó. Chúng phá mùa màng, húc đổ chòi canh, tấn công người dân đi làm rẫy, tấn công tất cả con bò đực của người dân nuôi thả quanh khu vực đó để độc chiếm đàn bò cái… Thế nhưng đến bây giờ, những người dân ở đây đã nở nụ cười hạnh phúc vì lợi ích mà con vật quái lạ này mang lại cho họ. Những con bò tót đã phối giống với đàn bò nhà mà người dân thả rông trong rừng cho ra một giống bò tót F1 có giá trị kinh tế. Các nhà nghiên cứu nông lâm cho rằng đây là trường hợp vô cùng hiếm gặp, có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn lớn trong chăn nuôi gia súc. Cần phải có kế hoạch nghiên cứu sâu nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gien quý hiếm, đặc biệt kết hợp đưa vào các tổ hợp lai ưu thế mới, tạo ra các dòng, giống bò thịt vượt trội. |