Bộ trưởng NN&PTNT: Doanh nghiệp không nên chăm chăm lợi ích trước mắt

(PLO)- Tọa đàm với doanh nghiệp trẻ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan mong muốn các bạn trẻ khởi nghiệp chú trọng đến chiều sâu, thay vì lợi ích trước mắt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 11-11, tại TP Pleiku, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan có buổi tọa đàm với doanh nghiệp, nhóm trẻ khởi nghiệp về chủ đề xây dựng vùng nguyên liệu cà phê và du lịch nông nghiệp. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ sự kiện Tuần Văn hóa – Du lịch Gia Lai 2023.

Gia-lai-toa-dam-vung-nguyen-lieu-ca-phe-du-lich-nong-nghiep 1.jpg
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tọa đàm với doanh nghiệp trẻ. Ảnh: LK

Tại buổi tọa đàm, ông Trương Hải Long, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, bày tỏ: Gia Lai đang phát huy có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó có cà phê. Phát triển du lịch nông nghiệp cũng là lĩnh vực mà tỉnh đang bắt đầu chú trọng xây dựng, phát triển.

Đồng thời, mong muốn thông qua sự kiện này, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các bạn trẻ đang khởi nghiệp bày tỏ nguyện vọng, nêu những ý tưởng để xây dựng vùng nguyên liệu cà phê và du lịch nông nghiệp của tỉnh phát triển hơn.

Theo thống kê của UBND tỉnh Gia Lai, trên địa bàn có hơn 800.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, cà phê là sản phẩm chủ lực với hơn 98.728 ha, năng suất 3,02 tấn/ha, sản lượng 267.428 tấn cà phê nhân.

Hiện có khoảng gần 46.000 ha đạt chuẩn VietGap, 4C, Organic, UTZ, Rain Forest... Giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 490 triệu USD/690 triệu USD toàn tỉnh.

Du Lịch Nông Nghiệp
Du lịch nông nghiệp là hướng đi mới góp phần nâng cao giá trị, sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Gia Lai là 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên có văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - kiệt tác văn hóa phi vật thể, truyền khẩu của nhân loại và có khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao Nguyên Kon Hà Nừng… là lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp.

Tham gia tọa đàm, nhiều doanh nhân trẻ bày tỏ băn khoăn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu cà phê kết hợp du lịch nông nghiệp. Đây là lĩnh vực mới, nên cần có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn từ các cơ quan chức năng; hỗ trợ vốn vay, hạ lãi suất; tạo nhiều sân chơi cho doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất cà phê để định vị thương hiệu cà phê Gia Lai.

Chủ trì tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có nhiều chia sẻ, giải đáp các vấn đề thắc mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, có những định hướng trong phát triển nông nghiệp bền vững, nhất là lĩnh vực cà phê rất nhiều sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường hiện nay. Đối với du lịch nông nghiệp cũng cần có cách nhìn xa và sâu hơn.

“Trên kệ hàng hiện nay có rất nhiều sản phẩm cà phê tương đồng, ai cũng giới thiệu sản phẩm mình là tốt, sạch, thơm ngon. Thế nên, để khách hàng quan tâm, thay vì “bán sản phẩm” thì mình cần bán cho người ta "câu chuyện” – sản phẩm được ai làm ra, làm nên ra sao, có gì đặc biệt... Do đó, không nên chăm chăm vào lợi ích trước mắt, mà cần chú ý về chiều sâu, mới đi được xa hơn”, Bộ trưởng chia sẻ.

Đối với phát triển vùng nguyên liệu, Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu chú trọng đến sự phát triển bền vững, thông tin định vị vùng sản xuất không làm mất rừng để có thể dễ dàng vào các thị trường khó tính như châu Âu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm