Ngày 28-6, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tácvđã tới điểm tiêm chủng tại thôn 6, đội 2, xã Quảng Hoà (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông). Đây là thôn có 73 hộ với 321 khẩu, tất cả đều là người dân tộc thiểu số, trong đó người Mông chiếm 98,6%, hộ nghèo chiếm 95,8%. Tổng số người cần tiêm chủng bổ sung vắc xin trong đợt này là 274 người.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đến thăm gia đình có bệnh nhân đã tử vong do bị bệnh bạch hầu ở Đắk Nông. Tại đây, thứ trưởng cũng đã hỏi thăm, chia sẻ những mất mát đối với gia đình bệnh nhân STH (9 tuổi), đồng thời cũng căn dặn gia đình và những người dân nên tiêm phòng đúng lịch, giữ vệ sinh để phòng chống dịch.
Các chốt cách ly được thành lập để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Ảnh H.T
Báo cáo với đoàn công tác, Sở Y tế Đắk Nông cho biết từ ngày phát hiện dịch bạch hầu, ngành Y tế tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng chính quyền địa phương tích cực ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh lây lan. Hiện tình hình dịch bệnh tại 2 ổ dịch tại xã Quảng Hòa và xã Đắk R’măng (huyện Đắk G’Long) đã được kiểm soát. Tính đến chiều nay (28-6), toàn tỉnh không ghi nhận thêm ca mắc mới, các ổ dịch đều được kiểm soát.
Trước đó, theo ngành y tế Đắk Nông, trên địa bàn tỉnh có 12 ca dương tính với bạch hầu, trong đó bốn ca mắc tại xã Đắk Sor (huyện Krông Nô), tám ca mắc tại xã Quảng Hoà và Đắk R’Măng (huyện Đắk Glong). Một ca tử vong là bé gái chín tuổi sinh sống tại thôn 6 xã Quảng Hoà. Các ổ dịch trên không có mối liên quan dịch tễ với nhau, các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là người đồng bào dân tộc H’Mông.
Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cử cán bộ hỗ trợ cùng địa phương dập dịch không để lây lan, thực hiện 550 mẫu xét nghiệm, cung cấp cho Đắk Nông 10.000 liều vắc xin Td, trợ giúp 60 bộ quần áo phòng dịch và 200 chai dung dịch rửa tay diệt khuẩn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tác đã đến thị sát tình hình chống dịch bạch hầu ở Đắk Nông. Ảnh T.H
Hiện, Trung tâm Y tế huyện Đắk G'long tiêm hơn 4800 liều vắc xin bạch hầu cho người dân xã Quảng Hòa, sau bảy ngày ổ dịch ghi nhận có ca nhiễm bệnh. Tại khu cách y ở thôn 6, sẽ lập ba điểm tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu cho người dân từ bảy đến 40 tuổi, thời gian tiêm kéo khoảng một tuần.
Trong thời gian tiếp theo, Trung tâm sẽ tiếp tục tiêm chủng mũi thứ hai, mũi thứ ba được triển khai năm 2021. Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền người dân đến tiêm chủng vắc xin để phòng bệnh.
Ông Đặng Thành, Giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật Đắk Nông cho biết, sau khi phát hiện có ca dương tính với bệnh bạch hầu tử vong đã tiếp xúc gần đối với 28 học sinh trường tiểu học Bế Văn Đàn (xã Quảng Hòa), đơn vị đã lấy mẫu đi xét nghiệm. Kết quả của 28 trường hợp này đều âm tính.
Trong chuyến công tác, Thứ trưởng Tuyên đánh giá cao việc tích cực dập dịch của cơ các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông. Bên cạnh đó, thứ trưởng cũng nhấn việc các đơn vị trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh công tác tẩy trùng, khử độc tại các địa phương có dịch cũng như các địa bàn lân cận, các cụm dân cư có người H’Mông sinh sống để truy tìm nguồn lây.
Trước đó, ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết, trên địa bàn đã xuất hiện ba ổ dịch, trong đó điểm đầu ở Trung tâm Ngôi nhà may mắn ở huyện Krông Nô, điểm thứ hai ở xã Quảng Hòa và điểm thứ ba ở xã Đắk Rmăng (Đắk G’long). Có 12 ca dương tính ở cả ba ổ dịch, trong đó có một trường hợp bé chín tuổi tử vong.
Ngay sau đó, ngành y tế tỉnh đã tiến hành lập các chốt cách li với khoảng hơn 1000 người. Các trường hợp bị bệnh được đưa đến bệnh viện để điều trị. Một trường hợp bị bệnh nặng được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đến Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM để tiếp tục điều trị. Cùng với đó, cơ quan chức năng đã tiến hành phun khử khuẩn môi trường, đồng thời tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh cho người dân.
Các em nhỏ ở Quảng Hòa rửa tay trước khi ăn cơm. Ảnh T.H
Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tính từ đầu năm đến nay đã xuất hiện năm ổ dịch ở các địa điểm gồm thành phố Kon Tum, huyện Đắk Hà và huyện Sa Thầy có một ổ dịch, riêng huyện Đắk Tô có hai ổ dịch. Trong đó, đã xuất hiện sáu trường hợp mắc bệnh bạch hầu với những triệu chứng ban đầu là sốt, viêm họng, họng nhiều giả mạc...
Hiện nay, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum đang tiếp tục giám sát mạnh đối với các trường hợp mắc bệnh, tiến hành cách li và điều trị đối với những trường hợp nghi nhiễm. Đồng thời, lọc danh sách những trường hợp đã tiếp xúc với những người đã mắc bệnh để điều trị dự phòng.
Ngoài ra, đối với những vùng dịch, ngành y tế tỉnh này đã triển khai các biện pháp như hạn chế đi lại, tiêm vắc xin phòng bệnh và các biện pháp về khử độc môi trường. Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh cũng tiến hành rà soát, tiêm vắc xin cho trẻ từ hai đến 18 đến 48 tháng tuổi.