Theo ước tính ban đầu, sức công phá của quả bom nhiệt hạch H mà CHDCND Triều Tiên tiến hành thử vào ngày 3-9-2017 tương đương 50.000-70.000 tấn thuốc nổ, dù cũng có một số thông tin rằng sức công phá của quả bom này cao tới 400.000 tấn thuốc nổ.
Tuy nhiên, theo ước tính mới nhất dựa vào sự dịch chuyển mặt đất từ hình ảnh vệ tinh của Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO), sức công phá của quả bom hạt nhân này nằm ở từ 245.000-271.000 tấn thuốc nổ. Sức công phá này mạnh gấp 17 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống TP Hiroshima của Nhật hồi tháng 8-1945.
Sức công phá của quả bom nhiệt hạch H mà Triều Tiên thử năm 2017 mạnh gấp 17 lần so với quả bom hạt nhân mà Mỹ đã thả xuống TP Hiroshima của Nhật tháng 8-1945. Ảnh minh họa từ CCTBO
Kết luận này được một nhóm nhà khoa học ở Trung tâm Ứng dụng Không gian thuộc ISRO do Tiến sĩ K. M. Sreejith dẫn đầu công bố trên tạp chí Geophysical Journal International (Anh).
Các nhà khoa học đã nghiên cứu dựa vào dữ liệu từ Vệ tinh Giám sát Mặt đất Tiên tiến 2 (ALOS-2) - một vệ tinh do Nhật sản xuất có trang bị radar khẩu độ tổng hợp PALSAR-2 trong nghiên cứu bản đồ để đo lường sự dịch chuyển bề mặt núi Mantap, nơi quả bom nhiệt hạch H được thử.
“Các radar trên vệ tinh là các công cụ rất mạnh để đo sự thay đổi trên mặt đất, và cho phép chúng tôi tính toán vị trí và ước tính năng lượng của các vụ thử hạt nhân dưới mặt đất” - Tiến sĩ Sreejith nói trong cuộc họp báo ngày 14-11.
Vệ tinh đã đo lường đã có sự dịch chuyển trên bề mặt núi Mantap tới vài mét. Vụ nổ cũng di chuyển sườn của đỉnh núi Mantap khoảng 0,5 m. Các nhà khoa học ước tính vụ nổ xảy ra ở địa điểm cách bề mặt núi Mantap 540 m, tạo ra một lổ hổng bán kính 66 m bên trong ngọn núi.
Vụ thử được thực hiện dưới mặt đất và được thực hiện theo các tiêu chí để tối thiểu hóa sự lan tỏa phóng xạ nhưng trong vụ nổ năm 2017 các nhà khoa học ghi nhận có sự rò rỉ phóng xạ, thậm chí cả nỗi lo ngọn núi có thể sụp đổ khiến lượng phóng xạ bị nhốt bên trong rò rỉ ra ngoài.
Dù thế nào sức công phá của quả bom H của Triều Tiên thử năm 2017 vẫn còn thua xa quả bom H mà Mỹ đã thử năm 1952, vốn mạnh tương đương 10,2 triệu tấn thuốc nổ, gấp gần 700 lần quả bom đã thả xuống Hiroshima.