Theo tin từ báo Hankook Ilbo (Hàn Quốc), trong lần gặp nhau đàm phán hạt nhân mới nhất tại Stockholm (Thụy Điển) ngày 5-10, các nhà thương lượng Mỹ đã đưa ra đề nghị được đầu tư vào khu du lịch nghỉ dưỡng Kalma của Triều Tiên.
Nằm ở bờ biển phía đông Triều Tiên, đối mặt với biển Nhật Bản, khu Kalma là một địa điểm mà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hy vọng có thể biến thành một nguồn thu lợi nhuận.
Công việc xây dựng dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 4 năm sau. Khi đó khu du lịch nghỉ dưỡng Kalma sẽ có hàng chục khách sạn, một trung tâm mua sắm và một công viên nước khép kín trong nhà.
Có thể nói Triều Tiên đang dồn rất nhiều nhân lực, vật lực xây dựng khu Kalma thành một điểm đến du lịch mới hấp dẫn. Và theo Hankook Ilbo thì phía Mỹ đưa ra đề nghị đầu tư nhằm cố gắng tạo điều kiện thuận lợi để đạt được thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên.
Triều Tiên đang dồn rất nhiều nhân lực, vật lực xây dựng khu Kalma thành một điểm đến du lịch mới hấp dẫn. Ảnh: KCNA
Chưa rõ cụ thể Triều Tiên trả lời thế nào về đề nghị của phía Mỹ. Nhưng cuộc đàm phán ở Stockholm đã kết thúc không kết quả sau 8 giờ. Trưởng phái đoàn Triều Tiên - ông Kim Myong-gil chỉ trích phía Mỹ không chịu thay đổi quan điểm và thái độ.
Du lịch thời gian gần đây trở thành một lĩnh vực được Triều Tiên quan tâm để tăng thêm thu nhập quốc gia, trong bối cảnh nước này đang phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt từ quốc tế. Những năm gần đây lượng khách du lịch từ Hàn Quốc, Trung Quốc đổ sang Triều Tiên tăng đột biến, để hưởng thụ các loại hình du lịch như leo núi, thưởng ngoạn các bãi biển tuyệt vời như ở Kalma.
Chuyện phát triển khu Kalma từng được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập với ông Kim khi hai ông gặp lần đầu ở Singapore tháng 6-2018.
Tuy nhiên, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) Vipin Narang - một chuyên gia về Triều Tiên nói rằng ông phân vân không rõ ông Kim đánh giá đề nghị của Mỹ đầu tư phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng Kalma là một phần thưởng hay là một đe dọa.