Năm 2016 bóng đá thế giới đã từng chứng kiến nhiều ngôi sao chọn Trung Quốc và Chinese Super League (CSL - giải nhà nghề Trung Quốc) làm bến đỗ. Các ngôi sao này đa số là sắp về vườn và chọn châu Á làm điểm dừng chân 1-2 mùa, ôm một đống tiền rồi nghỉ. Nó được xem như canh bạc cuối của những “ông già” sắp rời sàn đấu mà chẳng cần tiếng tăm và cũng không ngại tai tiếng.
Trong tốp 10 cầu thủ lãnh lương cao nhất thế giới, có tới ba cầu thủ đang thi đấu giải nhà nghề Trung Quốc. Và cả ba cầu thủ đứng đầu này đều là những cái tên quá đát trong làng bóng thế giới và thậm chí là khó có được suất dự bị ở Premier League hay Bundesliga lẫn La Liga…
Báo chí thế giới cũng tốn rất nhiều giấy mực để thẩm định tài năng của các ngôi sao về vườn khi chơi bóng ở CSL cùng hàng trăm “lính đánh thuê”, rằng họ có xứng đáng với mức lương cao vời vợi hay không.
Và tất cả đều đưa ra đáp án đó là những “ưu đãi” cho các cầu thủ có tiếng đã đến tuổi về vườn kiếm chác cuối đời ở một giải nhà nghề châu Á, đất nước mà đội tuyển quốc gia đang sa sút nhân tài lẫn cơ hội đi đá World Cup luôn mong manh sau các ông lớn Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran...
Tevez ở tuổi 32 tìm đến giải nhà nghề Trung Quốc “hốt hụi chót”. Ảnh: GETTY IMAGES
Nói là bóng đá thế giới đối mặt với sức hút của đồng “tệ” cũng đúng nhưng phần lớn đều phân tích rằng thị trường đấy đang ngày càng khẳng định sự phân cấp của các cầu thủ đến tuổi hưu và cả những HLV xác định kiếm tiền “già” hơn là làm bóng đá thực sự.
Chính tờ The Scottish Sun cũng nói lên mặt trái của sức hút đồng nhân dân tệ kéo hàng trăm cầu thủ về chơi một giải nhà nghề mà không phục vụ nhiều cho yếu tố chuyên môn hay mang tính nâng tầm bóng đá đỉnh cao. Nó khác hẳn với Premier League của người Anh có lúc bị xem là vắt kiệt sức cầu thủ nhưng ngoài đồng tiền xứng đáng, cầu thủ còn nhận được giá trị của mình khi ra sân ở xứ sở sương mù. Sự kính trọng của làng bóng thế giới là giá trị không thể phủ nhận mà ở CSL có khi nhiều người nghe cũng thấy lạ tai. Tờ báo trên nhận xét: “Chính những cầu thủ bản địa vốn rất lười biếng và thiếu tinh thần đồng đội nhưng nay nhìn vào CSL cũng cảm thấy họ đang bị đối xử bất công rồi họ chuyển sang bất mãn. Còn những cầu thủ ngoại đến CSL bởi sức hút đồng tiền thì như những ông hoàng nhờ sự ưu đãi hơn là sự tự hào của một cầu thủ chuyên nghiệp có tiếng tăm”.
Rõ ràng là nhiều cầu thủ chưa có tiếng ao ước đến được với Premier League, với Bundesliga hay La Liga, Serie A… để tìm danh tiếng và để khẳng định giá trị của mình thì ngược lại, nhiều cầu thủ về già tìm đến CSL chỉ vì một yếu tố duy nhất là lao động ít, nỗ lực ít nhưng tiền thì rất nhiều.
Từ bi kịch đồng tiền đấy đã dắt dây đến cả bi kịch của một đội tuyển mà CSL có lẽ cũng không ngờ “mãnh lực đồng tệ” của mình lại bóp chết cả sức mạnh của một đội tuyển.
Hãy nghe báo chí thế giới phân tích qua trận Trung Quốc gặp Qatar ở vòng loại World Cup 2018 vào giữa tháng 11-2016: Bóng đá ở hai quốc gia này có điểm chung rất tham vọng là đầu tư nhiều tiền để “hóa rồng”. Qatar bằng những bước tính riêng từ đồng tiền, họ đã vượt qua bao “cửa ải” để đăng cai World Cup 2022, mà sau lần thành công trong chiến dịch vận động đó đã có biết bao quan chức FIFA đi tù hoặc mất chức. Ngược lại thì Trung Quốc tốn 1 tỉ USD cho mục tiêu “hóa rồng” vào năm 2050, với tham vọng đăng cai World Cup và giành luôn chiếc cúp vàng. Tuy nhiên, cách rải tiền đó lại đang bóp chết một nền bóng đá mà cầu thủ nội thì bất mãn và chán ngán, không động lực phấn đấu, còn cầu thủ ngoại thì chỉ xem đấy là nơi kiếm tiền thật đậm lúc tuổi già.
Đó cũng là lý do những nhà bình luận đã đưa ra kết luận giữa bóng đá Nhật Bản và bóng đá Trung Quốc: “Người Nhật cố gắng thu hẹp khoảng cách về trình độ giữa các đội bóng trẻ trong nước và thế giới. Còn tại Trung Quốc, thước tiền còn to hơn cả những giải danh giá nổi tiếng ở toàn cầu nhưng trình độ lại là khoảng cách bằng cả một Thái Bình Dương, vì chúng tôi chỉ thấy những “ông già” bị ruồng rẫy ở những giải lớn đến đá giải nhà nghề Trung Quốc, mà chẳng tìm thấy nhân tài nào ở giải đấu đấy cả”.
Bi kịch cho một nền bóng đá tưởng có thể mua được tất cả bằng chiến dịch đồng tiền.
10 cầu thủ được trả lương cao nhất thế giới Trong tốp 10 cầu thủ được trả lương tuần cao nhất thế giới thì có ba cầu thủ đang đá giải nhà nghề Trung Quốc. Trong số này có hai cầu thủ chiếm vị trí nhất, nhì và vượt mặt cả Ronaldo, Messi, Rooney… 1. Carlos Tevez, 32 tuổi (từ Boca Junior, Argentina sang Shanghai Shenhua): 615.000 bảng/tuần. 2. Oscar, 25 tuổi (từ Cheslea sang Shanghai SIPG): 400.000 bảng/tuần. 3. Ronaldo, 31 tuổi (Real Madrid): 365.000 bảng/tuần. 4. Gareth Bale, 27 tuổi (Real Madrid): 350.000 bảng/tuần. 5. Messi, 29 tuổi (Barcelona): 336.000 bảng/tuần. Hiện Messi cũng đang bị các CLB Trung Quốc chèo kéo và hứa hẹn sẽ có lương gấp ba lần Tevez nhưng Messi hẹn khi nào già sẽ đến đá giải Trung Quốc. 6. Hulk, 30 tuổi (Shanghai SIPG): 320.000 bảng/tuần. 7. Paul Pogba, 23 tuổi (MU): 290.000 bảng/tuần. 8. Graziano Pelle, 31 tuổi (Shandong Luneng): 290.000 bảng/tuần. 9. Neymar, 24 tuổi (Barcelona): 275.000 bảng/tuần. 10. Rooney, 31 tuổi (MU): 260.000 bảng/tuần. Cũng cần biết là hiện nay các CLB Trung Quốc vẫn tiếp tục chèo kéo những sao thế giới. Ngoài Ronaldo, Messi, còn có cả Thomas Muller, Ibrahimovic, Aguero… cùng “người đặc biệt” Mourinho... DUY ÂN |