Trong hàng loạt cuộc họp báo được tổ chức cùng một lúc ở nhiều nơi trên thế giới vào tối 10-4, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã công khai bức ảnh đầu tiên của Hố đen vũ trụ, có được thông qua dự án Event Horizon Telescope (ETH – tạm dịch: Kính thiên văn chân trời sự kiện).
Đó là một bức ảnh chói đỏ, nhiều viền mờ của một trong những phần bí ẩn của bầu trời.
Bức ảnh Hố đen vũ trụ đầu tiên vừa được các nhà thiên văn học thế giới công bố. Ảnh: AFP
Theo giải thích của các nhà nghiên cứu, các Hố đen không thể nhìn thấy được vì không ánh sáng nào có thể thoát được lực hút của nó. Không chỉ ánh sáng mà mọi dạng vật chất khác đều không thể thoát được lực hút của Hố đen, kể cả sóng điện từ. Do đó không thể nhìn thấy được Hố đen bằng các loại kính thiên văn ngày nay.
Dù không nhìn thấy được Hố đen nhưng có thể nhìn thấy bóng của Hố đen, thông qua quan sát “chân trời sự kiện”. Cụm từ này chỉ ranh giới trước khi các dạng vật chất bị hút vào hố đen. Và các hình ảnh ghi lại thời khắc này được gọi là cái bóng của Hố đen.
Kính viễn vọng được triển khai ở Chile trong dự án EHT. Ảnh: ESO
Dự án EHT là chương trình quan sát thiên văn tập trung vào các lỗ đen siêu khối lượng nằm ở trung tâm các thiên hà, bắt đầu năm 2012. Các nhà khoa học đã cho triển khai kính viễn vọng ở nhiều nơi trên thế giới, hướng về siêu Hố đen Sagittarius A nằm ở giữa dải Ngân hà, tập trung quan sát môi trường xung quanh Hố đen. Dự án bắt đầu giai đoạn thu thập dữ liệu từ tháng 4-2017, và sau thời gian nghiên cứu, phân tích, hôm nay các nhà khoa học đã công bố hình ảnh đầu tiên của Hố đen vũ trụ.