Bùng nổ mua sắm tết trên chợ online

Có lẽ chưa bao giờ khách hàng đi chợ tết online dễ dàng và nhiều như mùa tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay. Không phải chịu cảnh chen chúc, nóng bức để đi tìm hàng hóa cho mâm cơm ngày tết, người tiêu dùng chỉ cần lướt mạng trên điện thoại, máy tính là có thể dễ dàng chọn đủ đồ mình cần. Thậm chí không ít người săn được nhiều mặt hàng giá rẻ hơn ra chợ.

Nguồn hàng tết trên chợ online rất phong phú, đa dạng và được giao
khá nhanh. Ảnh: TL

Bộ Công Thương dự báo dịp tết Nguyên đán năm nay sức mua trên thị trường tăng khoảng 15%-20%. Sức mua tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thực phẩm, lương thực... Nhìn chung, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết. 

Nhanh, tiện lợi

Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, mua sắm của khách hàng từ trực tiếp sang online khiến các nhà kinh doanh cũng phải thích nghi, tập trung đẩy mạnh bán hàng tết online. Đặc biệt, nhiều công ty xem đây là mảng cần đầu tư mạnh nhằm đáp ứng nhanh tối đa nhu cầu khách hàng và tìm kiếm lợi nhuận tốt mùa tết.

Chẳng hạn, ông lớn thịt heo Vissan ngoài việc tung ra hàng ngàn tấn hàng hóa tại các điểm bán ở chợ, siêu thị, cửa hàng,... còn chăm chút cho nhu cầu mua hàng online của khách. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Vissan, nhấn mạnh công ty đẩy mạnh bán hàng trực tuyến giúp hạn chế tập trung đông người để phòng ngừa dịch bệnh. Đây cũng là giải pháp giúp cho những khách hàng bận rộn tiết kiệm thời gian đi mua sắm tết.

“Tại trang bán hàng trực tuyến, chúng tôi tung ra nhiều mặt hàng, đặc biệt là các sản phẩm mới với mức giá chiết khấu khá tốt. Thậm chí, khách chỉ cần ngồi tại nhà, văn phòng cũng có thể chọn đủ mặt hàng chế biến, tươi sống cho mâm cơm ngày tết. Chúng tôi giao đến tận nơi” - ông Dũng khẳng định.

Đáng chú ý, các đơn vị kinh doanh mặt hàng trang sức cũng tung kế hoạch bán hàng online trong dịp tết năm nay. Đơn cử, Công ty PNJ tích cực đưa nhiều mẫu hàng mới nhất cho ngày tết truyền thống lên trang bán hàng online của mình. Trước đó, công ty này đã nâng cấp trang website nhằm tăng tính tương tác với khách hàng, đưa mảng kinh doanh trang sức bạc lên một số kênh thương mại điện tử.

“Trên trang trực tuyến, chúng tôi đưa ra những sản phẩm ngày tết đa dạng, đủ đáp ứng mọi phong cách khách hàng với giá hợp lý” - ông Nguyễn Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ, cho hay.

Không chỉ các ông lớn mà cả tiệm tạp hóa, tiểu thương ở các chợ cũng đẩy mạnh bán hàng online dịp tết. Cô Bích, chủ một tiệm tạp hóa ở quận 1, TP.HCM khoe thời gian qua cô chẳng cần thực hiện cú gọi điện thoại đặt hàng nào với nhà cung cấp vì trên điện thoại được cài một ứng dụng đặt hàng. Chỉ cần một vài thao tác trên ứng dụng là cô đã nhận đủ hàng theo yêu cầu.

“Trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, các ứng dụng số hóa giúp tôi bán hàng khá chạy, sống khỏe dù chẳng có mấy khách hàng xuất hiện tại cửa tiệm. Tôi chỉ việc nhận đơn hàng online, kể cả chấp nhận thanh toán trực tuyến và khách chỉ việc ở nhà nhận hàng. Số hóa giúp cả người bán lẫn người mua nhanh, tiện lợi” - cô Bích kết luận.

Chìa khóa của tăng trưởng bền vững

Bộ Công Thương nhận định do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thói quen của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi, đó là chuyển từ mua sắm trực tiếp sang kênh online. Chính vì vậy, nhiều nhà kinh doanh đang đẩy mạnh hình thức mua bán trực tuyến qua app, fanpage, wesbite, hotline và thẻ khách hàng thân thiết.

Nhìn về vấn đề này, TS Nguyễn Quang Trung, ĐH RMIT Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, siêu nhỏ nên lâu nay hạn chế đầu tư vào công nghệ số. Nhưng một khi họ đã chấp nhận chuyển đổi số hay số hóa thì có thể giúp họ cải thiện hiệu quả kinh doanh.

“Nó giúp các công ty thay đổi hoàn toàn trải nghiệm của khách hàng, hiểu và tiếp xúc hiệu quả với khách hàng hơn, từ đó tác động tích cực đến tăng trưởng doanh thu. Giờ đây, nhiều công ty trong nước đã thực sự coi số hóa là chìa khóa tăng trưởng bền vững” - ông Trung nhận xét.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng một khi số hóa đã len lỏi đến những đơn vị kinh doanh nhỏ trên thị trường như tiệm tạp hóa thì các đơn vị lớn cũng buộc phải chuyển động theo xu hướng này để tránh bị bỏ lại phía sau.

Ngay cả đại gia thịt heo Vissan cũng nhìn thấy hơi nóng chuyển đổi số phả đằng sau gáy của mình. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan, thừa nhận mọi thứ đã thay đổi rất nhanh. “Chúng tôi đánh giá thương mại điện tử là một xu thế phải tham gia, đón đầu. Xây dựng nền tảng số là cách phát triển bền vững hơn nữa cho hoạt động kinh doanh, nếu không theo đuổi sẽ bị thụt lùi” - ông An nói.

TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, đánh giá khi COVID cắt đứt nền kinh tế vật thể, nó chặn cả cung và cầu thì nền kinh tế số trỗi dậy một cách phi thường. Nếu ai đi tiên phong trong lĩnh vực này thì tăng tốc nhanh.

“Trong năm nay vẫn có bộ phận bứt phá, được hưởng lợi rất mạnh. Chẳng hạn, năm tỉ phú giàu nhất nước Mỹ đều trong lĩnh vực công nghệ với giá trị tài sản đã tăng thêm 101,7 tỉ USD. Riêng tỉ phú Amazon giàu thêm 56,7 tỉ USD. Điều đó cho thấy tài sản của tỉ phú liên quan đến công nghệ cao, kinh tế số tăng lên ghê gớm thế nào trong lúc kinh tế thế giới khủng hoảng” - ông Thiên dẫn chứng.

Xu hướng không thể né tránh, chối bỏ

Theo Công ty Chứng khoán SSI, xu hướng chuyển dịch từ mua sắm trực tiếp sang online thể hiện khá rõ ràng và là xu hướng không thể chối bỏ.

“Tuy nhiên, xu hướng mua hàng online hiện nay mới chủ yếu phổ biến ở khu vực thành thị, nơi có nhiều bên thứ ba cung cấp dịch vụ vận chuyển. Ngược lại, dịch vụ vận chuyển qua bên thứ ba khá hạn chế ở khu vực nông thôn nên người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm tại cửa hàng” - SSI nhận xét.

Ngoài ra, xu hướng mua sắm trực tiếp đang chuyển dịch sang online song không phù hợp với tất cả mặt hàng. Đó là những mặt hàng, sản phẩm có giá trị cao, khách hàng cần phải kiểm tra hàng trước khi mua; các sản phẩm yêu cầu lắp đặt tại chỗ, dịch vụ hậu mãi... Chẳng hạn như ô tô, điện thoại cao cấp, máy lạnh… là những sản phẩm mà khách thường mua trực tiếp thay vì online. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm