Bước ngoặt ngày phán xử bà Yingluck

Thái Lan đã thắt chặt kiểm soát biên giới sau khi cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra không xuất hiện tại phiên tòa ra phán quyết cuối cùng của vụ kiện sai phạm trong chương trình trợ giá gạo quốc gia ngày 25-8, theo AFP.

Diễn biến bất ngờ

Sáng 25-8, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bất ngờ không xuất hiện tại Tòa án Tối cao Thái Lan để nghe phán quyết cuối cùng liên quan tới vụ kiện trợ giá gạo gây thất thoát hàng tỉ USD khi còn đương chức. Khoảng 3.000 người ủng hộ bà Yingluck đợi bên ngoài tòa án đã giải tán sau khi có thông báo cựu thủ tướng không tham dự phiên tòa.

Tòa án Tối cao Thái Lan đã phát lệnh bắt giữ bà Yingluck, tịch thu số tiền bảo lãnh tại ngoại của cựu thủ tướng trị giá 900.000 USD và hoãn phiên luận tội sang ngày 27-9 tới, theo Bangkok Post. Norawit Lalaeng, luật sư bào chữa cho bà Yingluck, nói rằng cựu thủ tướng đã bị “đau tai trong” và hiện không rõ liệu bà còn ở Thái Lan hay không. “Diễn biến này cho thấy bà Yingluck đã cao bay xa chạy trước khi phán quyết được đưa ra” - một thẩm phán của tòa cho biết.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: GETTY

Truy tìm bà Yingluck

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cùng ngày cho biết tất cả tuyến đường quốc gia đều đang được giám sát chặt chẽ. “Bà Yingluck đã không tham dự phiên tòa. Tôi đã ra lệnh các trạm kiểm soát biên giới tăng cường công tác” - ông Prayuth trả lời báo giới.

Thitinan Pongsudhirak, nhà khoa học chính trị tại ĐH Chulalongkorn (Thái Lan), nhận định việc bà Yingluck không xuất hiện tại phiên tòa là một “cú sốc lớn” đối với hầu hết người dân Thái Lan vì sự quyết tâm của cựu thủ tướng trước đây cho thấy bà sẵn sàng đối mặt với phiên luận tội, theo CNN.

Nếu bà Yingluck tham dự phiên tòa ngày 25-8, có ba kịch bản có khả năng diễn ra là bà bị bỏ tù, nhận án tù treo hoặc được hủy án. Một số chuyên gia dự đoán trong trường hợp bà Yingluck nhận án tù, phán quyết có thể châm ngòi cho các cuộc biểu tình và bạo động. Đồng thời, khu vực miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan sẽ đồng cảm hơn và ngày càng ủng hộ đảng Peau Thai của bà Yingluck thay vì chính quyền quân sự của tướng Prayuth Chan-ocha.

“Trong kịch bản này, họ sẽ không muốn bỏ tù bà Yingluck. Tuy nhiên, việc bà Yingluck không xuất hiện tại phiên tòa sẽ đặt bà vào thế nguy hiểm và tạo cho chính quyền quân sự thế thượng phong” - ông Pongsudhirak nhận định. Ông đánh giá sẽ có ít nguy cơ xảy ra các cuộc biểu tình náo loạn theo sau vụ bỏ trốn của bà Yingluck.

Các nhà chỉ trích nói rằng chương trình trợ giá gạo của bà Yingluck chỉ tiêu tốn ngân quỹ quốc gia để lấy lòng các cử tri nông thôn, gây thiệt hại cho xuất khẩu và khiến số gạo tồn kho ngày càng lớn. Tuy nhiên, bà Yingluck bác bỏ các cáo buộc và nói rằng chương trình trợ giá “có lợi cho nông dân và quốc gia”.

“Hoa hồng thép” đang ở đâu?

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan ngày 25-8 nói rằng có thể bà Yingluck đã trốn ra nước ngoài. “Không rõ liệu bà Yingluck đã bỏ trốn hay không. Tuy nhiên, bà ấy là một cựu thủ tướng và một số quan chức có thể đã trợ giúp bà” - ông Prawit nói.

Các báo cáo cho biết lần cuối cùng bà Yingluck xuất hiện công khai là tại chùa Wat Rakhang Kositaram ở thủ đô Bangkok hôm 23-8. Một nguồn tin giấu tên bên trong đảng Peau Thai của bà Yingluck tiết lộ với Reuters rằng cựu thủ tướng đã trốn ra nước ngoài.

Trang tin Khaosod của Thái Lan chiều 25-8 đăng tải thông tin cho rằng bà Yingluck cùng con trai 15 tuổi đã trốn sang Campuchia từ ngày 23-8 bằng đường bộ. Sau đó hai người đã lên máy bay sang Singapore rồi tiếp tục bay đến Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), nơi người anh của bà là ông Thaksin Shinawatra được cho là đang tị nạn.

______________________________

42 năm tù là mức án cựu bộ trưởng Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom phải đối mặt vì làm giả số liệu hợp đồng mua bán gạo giữa Thái Lan và Trung Quốc. Phiên xét xử diễn ra cùng ngày với phiên tòa tuyên án bà Yingluck.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm