Bước tiến khổng lồ của ASEAN

Các nhà lãnh đạo ASEAN hôm qua (22-11) đã chính thức ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc “Thành lập Cộng đồng ASEAN”. Thay mặt các quốc gia thành viên ASEAN, Thủ tướng Malaysia Najib Razak, đại diện nước chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEAN lần 27, tuyên bố sẽ thành lập Cộng đồng chung ASEAN (gọi tắt là AC) vào ngày 31-12-2015. Tầm nhìn AC 2025 là một tầm nhìn rộng lớn và chiến lược nhằm củng cố cộng đồng khu vực hướng tới hiện thực hóa một ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội, một ASEAN thực sự dựa trên các nguyên tắc luật pháp, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.

“Bước tiến khổng lồ hội nhập châu Á”

Ngay sau sự kiện lãnh đạo ASEAN tuyên bố thành lập AC vào cuối năm 2015, Tân Hoa xã (Trung Quốc) đã có bài bình luận “Cộng đồng ASEAN: Một bước tiến lớn hướng đến hội nhập châu Á”. Theo đó, Tân Hoa xã nhận định việc AC chính thức được quyết định thành lập vào cuối năm nay, với vai trò như một cộng đồng tiểu khu vực đầu tiên của châu Á, là bước mốc quan trọng trong tiến trình giúp Tổ chức Các nước Đông Nam Á hội nhập sâu rộng hơn vào châu lục vốn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của thế giới về các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội trong suốt những năm đầu thế kỷ 21 trở lại đây.

Việc AC được thành lập được dự báo sẽ mang lại động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế tại khu vực, đồng thời tạo ra những cơ hội to lớn cho sự thịnh vượng của khối ASEAN+3, gồm 10 nước ASEAN hợp tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc nhờ các hợp tác mang tính thực tiễn.

Đại sứ của Trung Quốc tại ASEAN, ông Từ Bộ (Xu Bu) trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã rằng việc thành lập AC là một mốc lịch sử quan trọng của ASEAN kể từ khi thành lập năm 1967. “Với vai trò là nền kinh tế trẻ và năng động nhất thế giới, AC sẽ cung cấp một thị trường rộng lớn hơn và tự do hơn, đồng thời tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho Trung Quốc” - ông Từ Bộ nhấn mạnh.

Mở rộng quan điểm của ông Từ Bộ, Lee Chian Siong, cố vấn cao cấp của chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ASEAN-Trung Quốc, cho hay việc biến các kế hoạch thành lập AC thành hiện thực sẽ mang lại nhiều cơ hội đa dạng cho các quốc gia thành viên ASEAN và cả các nhà đầu tư ngoại khối, đồng thời giúp các doanh nghiệp có thể mở rộng phạm vi hoạt động và ảnh hưởng ra phạm vi quốc tế. “Ngành công nghiệp sản xuất của các thành viên AC, điển hình như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, sẽ có thể hội nhập toàn diện vào thị trường ASEAN, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho nội và ngoại khối” - vị này cho hay.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN (AC) và Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2025 . Ảnh: TTXVN

Thị trường chung vượt mặt Bắc Mỹ và EU

Để có được sự hội nhập toàn diện về môi trường kinh doanh nội khối ASEAN và giữa ASEAN với phần còn lại của thế giới thông qua các hiệp định song phương và đa phương, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (gọi tắt là AEC) chính là trụ cột quan trọng, cùng với hai trụ cột khác (Cộng đồng An ninh - Chính trị; Cộng đồng Văn hóa - Xã hội), tạo dựng nên một AC thống nhất và toàn diện. Khối 10 nước ASEAN với GDP 2,7 ngàn tỉ USD, nhờ vào AEC, được kỳ vọng sẽ tạo ra một thị trường chung với các dòng chảy tự do hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các nhóm quốc gia trong khu vực.

Mặt khác, với dân số lên đến hơn 600 triệu người, với các đặc trưng trẻ, năng động, thu nhập đang được cải thiện mạnh mẽ, giới quan sát tin rằng AEC sẽ có thể làm lu mờ các thị trường khác trên thế giới, thậm chí các thị trường Bắc Mỹ và EU. Trong bài phát biểu chào mừng đoàn đại biểu lãnh đạo trẻ đến từ các nước ASEAN và các quốc gia là đối tác đối thoại của ASEAN, Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia - Khairy Jamaluddin nhấn mạnh: “Hãy cùng tôi hình dung rằng ASEAN không phải là một thực thể gồm nhiều nước gộp lại mà là một chỉnh thể, hay nói cách khác là một siêu quốc gia, các bạn sẽ thấy nhiều điều thú vị. ASEAN sẽ đứng đầu thế giới về sản xuất dầu thô, cao su...”. “Điều đó có nghĩa là nếu hội nhập thành một thì ASEAN sẽ trở thành một chủ thể quan trọng, không chỉ có sức mạnh và còn có sự hấp dẫn với bất kỳ khu vực nào trên thế giới” - Khairy Jamaluddin nói thêm.

Cùng quan điểm trên, Oh Ei Sun - nghiên cứu viên cao cấp khoa Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam. Trường ĐH Công nghệ Nanyang Singapore trả lời Tân Hoa xã rằng “Các cơ hội đối với các quốc gia và khu vực liên đới AEC là rất đa dạng và rộng lớn. Việc cắt giảm tiến đến loại bỏ các rào cản thuế quan giữa các nước ASEAN đối với hầu hết các mặt hàng hóa chắc chắn sẽ cải thiện được hoạt động thương mại nội khối ASEAN trong bối cảnh thương mại nội khối ASEAN hiện chỉ bằng 1/3 tổng lượng giao dịch thương mại giữa ngoại khối ASEAN”.

Vị này nói thêm rằng thị trường chung ASEAN với việc lấy sản xuất hàng hóa làm trọng tâm sẽ giúp AC trở thành điểm đến đầy hấp dẫn của các nhà đầu tư, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh, giúp nền kinh tế ASEAN hội nhập khu vực châu Á và toàn cầu hiệu quả và nhanh chóng hơn.

Trong khi đó, Chheang Vannarith, Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược Campuchia, nói rằng AC sẽ thúc đẩy mạnh mẽ ảnh hưởng và uy tín của khối 10 quốc gia ASEAN trên trường quốc tế. “ASEAN sẽ đóng vai trò quan trọng và chủ chốt hơn trong việc duy trì hòa bình và ổn định của khu vực, đồng thời thúc đẩy (sự phát triển) cộng đồng Đông Á. Không chỉ thế, AC sẽ tạo ra được thế “đòn bẩy” ngoại giao (tức chủ động và mạnh mẽ hơn) trước cộng đồng quốc tế. Mỗi quốc gia sẽ đạt được lợi ích khác nhau, theo từng cấp độ khác nhau sau khi AC được hiện thực hóa vào cuối năm 2015” - vị này cho biết thêm.

Thách thức còn phía trước

Bên cạnh nhiều lợi ích mà các thành viên AC đạt được, các quan chức ASEAN cũng như giới chuyên gia không quên nhắc đến những thách thức với AC vẫn đang còn chực chờ phía trước. Cụ thể, với ASEAN, vẫn còn là một chặng đường dài với nhiều chông gai đang chờ đợi phía trước để đạt được một AC như mong muốn, tức việc tuyên bố thành lập AC chỉ là một dấu mốc của một quá trình dài hạn hàng nhiều thập niên chứ chưa phải là thành quả cuối cùng.

“Việc xây dựng AC là cả một quá trình rất dài và sự kiện thành lập AC vào ngày 31-12 sắp tới hoàn toàn không phải là điểm đến cuối cùng mà chỉ là điểm khởi đầu” - đại sứ Trung Quốc tại ASEAN nhận định. Ngoài nội khối ASEAN, các đối tác đối thoại của ASEAN như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ,... sẽ cùng tăng cường hợp tác để đến đích AC trong tương lai.

Truyền thông quốc tế dẫn lời một số chuyên gia lo ngại AEC sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, điển hình là sự phát triển về kinh tế và xã hội giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Cụ thể, một số nước thành viên ASEAN còn có tâm lý rằng hội nhập có thể gây hại đến lợi ích đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của họ. Ví dụ, Campuchia lo lắng rằng vài năm trước đây, các doanh nghiệp của nước này chịu thiệt khi cạnh tranh với các doanh nghiệp từ một số rất ít quốc gia khác. Tuy nhiên, bây giờ khi AC thành lập thì khu vực này trở nên hấp dẫn hơn, tức nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia vào sân chơi này hơn.

Nhiều chuyên gia trong ngành còn lưu ý rằng chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc sẽ tạo ra động lực nhiều hơn cho ASEAN, thu hút ngày càng đông các doanh nghiệp quy tụ vào khu vực này. Nghĩa là tính cạnh tranh sẽ có sự tăng mạnh. Trong khi đó, chuyên gia Võ Đại Lược, nguyên Giám đốc Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, cho rằng để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN, các quốc gia nội khối phải tăng cường hội nhập sâu rộng để phát triển, đồng thời hợp tác với các tổ chức quốc tế, nhóm các quốc gia không phải thành viên ASEAN, bao gồm cả Trung Quốc. Các nhà phân tích chính trị nhận định các cơ chế hợp tác của ASEAN+3 cần tiếp tục được thúc đẩy, nhất là phải tận dụng thời cơ AC được thành lập để kích thích tăng trưởng của nhóm nước này.

AC khác với EU

Nếu như châu Âu có một Liên minh châu Âu (EU) như một khối thống nhất về kinh tế, chính trị, văn hóa thì AC lại theo phương cách riêng của mình, hướng tới sự “thống nhất trong đa dạng”. AC sẽ không nhắm vào việc hình thành một “siêu quốc gia” có nghị viện như EU. Tại Hội nghị Lãnh đạo trẻ ASEAN ở Kuala Lumpur (ngày 18 đến 20-11), bà Tan Sri Rafidah Aziz, Chủ tịch của AirAsia X, nhấn mạnh:  “AC không theo EU và đừng hỏi EU có giống AEC hay không vì thực tế hai tổ chức hướng đến hai hình thái khác nhau. Sẽ không có nghị viện AC, cũng rất khó có đồng tiền chung AC. Chúng ta đa dạng về mặt chính trị, kinh tế lẫn văn hóa và chúng ta tôn trọng điều đó. AC hướng đến một bản sắc riêng, thúc đẩy thương mại, kinh doanh trong một môi trường hoàn toàn khác với EU”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm