Ca bệnh hiếm gặp: Nhồi máu cơ tim ở người bị đảo ngược phủ tạng hoàn toàn

(PLO)- Người bị đảo ngược phủ tạng là người có nội tạng trong lồng ngực và ổ bụng bị đảo ngược vị trí. Ví dụ như tim thay vì ở bên trái thì nằm sang bên phải lồng ngực...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa Khoa Quảng Nam tiếp nhận một bệnh nhân nữ 65 tuổi vào viện vì đau ngực bên phải dữ dội kèm theo khó thở.

Tim nằm bên phải, các phủ tạng khác đều nằm ở vị trí ngược lại

Bệnh nhân Võ Thị Thu H., sinh năm 1959, ở Trà Giang, Bắc Trà My. Trước đó, bà H. hoàn toàn khỏe mạnh, chưa bao giờ khám bệnh để biết mình bị đảo ngược phủ tạng. Bệnh nhân có triệu chứng đau ngực bên phải nhưng với tính chất đau điển hình của cơn đau tim kèm theo khó thở, vã mồ hôi, huyết áp có xu hướng tụt, nhịp tim chậm.

Sau khi khai thác triệu chứng, khám lâm sàng, các bác sĩ đã nghi ngờ bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp thành dưới và bị đảo ngược phủ tạng hoàn toàn

đảo ngược phủ tạng
Bác sĩ khám lại cho bệnh nhân sau can thiệp động mạch vành

Sau khi hội chẩn nhanh với ekip can thiệp tim mạch của bệnh viện, bệnh nhân đã được chụp động mạch vành cấp cứu, kết quả chụp cho thấy vị trí giải phẫu động mạch vành của bệnh nhân bị đảo ngược hoàn toàn.

Bệnh nhân bị tắc hoàn toàn gốc của động mạch vành phải (bệnh nhân này động mạch vành phải nằm bên trái). Bệnh nhân nhanh chóng được tái thông động mạch vành phải bị tắc bằng 1 stent. Sau can thiệp bệnh nhân ổn định, hết đau ngực, không khó thở. Bệnh nhân được dự kiến sẽ ra viện trong vài ngày tới.

Sau khi có kết quả hội chẩn nhanh với ekip can thiệp tim mạch của bệnh viện, bệnh nhân đã được chụp động mạch vành cấp cứu, kết quả chụp cho thấy vị trí giải phẫu động mạch vành của bệnh nhân bị đảo ngược hoàn toàn.

Ca bệnh hiếm gặp, xử lý khó

Người bị đảo ngược phủ tạng là người có nội tạng trong lồng ngực và ổ bụng bị đảo ngược vị trí. Ví dụ như tim thay vì ở bên trái thì nằm sang bên phải lồng ngực, gan và ruột thừa thì nằm bên trái... Như vậy khi viêm ruột thừa, người này không còn đau bên hố chậu phải như thường lệ mà đau bên hố chậu trái, điều này dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán bệnh.

Tiếp cận chẩn đoán và xử trí nhồi máu cơ tim cấp trong trường hợp bệnh nhân bị đảo ngược phủ tạng không ít khó khăn vì vị trí và đặc điểm cơn đau ngực có thay đổi, thay vì bệnh nhân đau ngực bên trái, lan lên cằm vai trái thì bệnh nhân này lại đau bên phải, hướng lan cũng ngược lại.

Khi can thiệp động mạch vành cũng khó khăn vì vị trí xuất phát của động mạch vành ở vị trí bất thường. Ngoài ra các ống thông để chẩn đoán và can thiệp là để sử dụng cho các trường hợp động mạch vành có giải phẫu bình thường. Thêm nữa, các bác sĩ tim mạch đôi khi trong cuộc đời hành nghề không hẳn đã được gặp bệnh nhân đảo ngược phủ tạng, do đó khi gặp ca bệnh hiếm này có thể có không ít bối rối.

Đảo ngược phủ tạng được thế giới biết đến lần đầu tiên trong một bức vẽ của danh họa nổi tiếng Leonardo de Vinci, sau đó được công nhận bởi nhà giải phẫu học Marco Aurelio Severino năm 1643. Tuy nhiên, phải đến hơn một thế kỷ sau mới được mô tả lần đầu tiên bởi Matthew Baillie.

Đảo ngược phủ tạng rất hiếm gặp, chiếm tỷ lệ khoảng 0.5-1/10.000 dân số chung, trong đó có khoảng 5-10% có kèm theo dị tật tim bẩm sinh, số còn lại có cuộc sống hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, không phải là trạng thái bệnh lý. Tình trạng đảo ngược phủ tạng có thể hoàn toàn hoặc chỉ một vài cơ quan đơn thuần.

Lời khuyên cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim là một cấp cứu nội khoa, là tình trạng một hay nhiều nhánh động mạch nuôi cơ tim (động mạch vành) bị tắc nghẽn, gây thiếu máu cơ tim cấp tính dẫn đến hoại tử vùng cơ tim đó. Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong với tỷ lệ mắc phải ngày một gia tăng.

dao-nguoc-phu-tang-h2-3488.png

Nguyên nhân nhồi máu cơ tim chủ yếu là do mảng xơ vữa trong lòng mạch vỡ ra, hình thành huyết khối gây tắc động mạch vành. Nếu không kịp thời tái thông lại dòng chảy có thể gây tổn thương tim vĩnh viễn gây suy tim cấp, rối loạn nhịp và tử vong.

Dấu hiệu nhồi máu cơ tim hay gặp nhất là đau ngực điển hình, đau kiểu bóp nghẹn, thường khởi phát sau một gắng sức hoặc do lạnh, vị trí đau sau xương ức, lệch sang ngực trái, lan lên vai trái hoặc lên cằm. Cơn đau kéo dài trên 20 phút, nghỉ ngơi không hết đau, chỉ có thể giảm đau khi được dùng các chất giãn mạch.

Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, trước hết cần có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế chất béo, không ăn quá nhiều chất ngọt, loại bỏ các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, có chế độ tập luyện để giảm cân hợp lý, kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu. Ngoài ra cần khám sức khỏe tim mạch thường xuyên để phát hiện sớm khi mới thiếu máu cơ tim.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm