Theo báo cáo, năm qua công tác kê khai tài sản, thu nhập được triển khai mạnh, với 98,3% số bản kê khai đã được công khai, tăng 8,8% so với năm trước. Đáng chú ý, số trường hợp phải xác minh lại do nghi vấn không trung thực tăng mạnh với 1.225 bản kê khai (so với chỉ 5 trường hợp trong năm 2014).
Tuy nhiên, kết quả xác minh khá khiêm tốn: chỉ phát hiện 5 người kê khai không trung thực (Bộ Giao thông 01, Thanh Hóa 01 – đã bị xử lý kỷ luật; Cà Mau 02 và Bình Thuận 01 – đều đang trong quá trình xem xét, xử lý).
Cũng nằm trong nhóm giải pháp phòng ngừa, năm qua chỉ có 22 trường hợp cán bộ tự giác nộp lại quà tặng do được tặng trái quy định. Tuy nhiên, tổng giá trị rất khiêm tốn, chỉ… 89 triệu đồng.
Tín hiệu tích cực là ngành thanh tra phát hiện thông qua thanh tra, giải quyết khiếu tố tăng mạnh: 100 vụ/ 172 đối tượng, tăng 46 vụ/85 đối tượng so với cùng kỳ, với giá trị sai phạm 40,7 tỷ đồng.
Tín hiệu xấu là số vụ án tham nhũng được khởi tố, truy tố, xét xử hình sự vẫn tiếp tục giảm. Theo đó, cả năm chỉ khởi tố được 178 vụ/317 bị can (giảm 78 vụ/276 bị can). Kèm theo đó, có 4 vụ, 2 bị can phải đình chỉ; 9 vụ/23 bị can tạm đình chỉ...
Để tiếp tục thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng, Chính phủ xác định năm 2016 sẽ hoàn thiện tiếp một bước pháp luật, thể chế trong đó chú trọng tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, làm sơ sở sửa đổi toàn diện luật quan trọng này. Bổ sung đồng bộ những quy định về thu hồi tài sản tham nhũng. Chú trọng các biện pháp phong tỏa, kiểm soát để thu hồi tài sản tình nghi ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố... chứ không đợi đến khi xét xử, bản án có hiệu lực thì tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán, hư hỏng, mất mát.
Hôm nay, Ủy ban Tư pháp của QH họp toàn thể, thẩm tra báo cáo định kỳ này.