Theo ông Thụy, khi USDA tiếp quản chức năng này thì cơ quan này sẽ áp dụng những tiêu chuẩn gắt gao hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu tương đương như áp dụng cho các sản phẩm cá da trơn nội địa. Điều khoản này do Hiệp hội Nuôi trồng Cá da trơn của Mỹ và các nghị sĩ các bang miền Nam nước Mỹ đưa vào Luật Nông trại 2008 và được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua.
Nhiều DN xuất khẩu cá tra Việt Nam lo ngại vì luật mới của Mỹ. Ảnh: CTV
Một số thượng nghị sĩ Mỹ phản đối kịch liệt vì cho rằng quá bảo hộ sản xuất trong nước, các nước xuất khẩu sẽ trả đũa bằng thuế quan đối với hàng hóa Mỹ. Dự luật vừa được Thượng viện thông qua với 68 phiếu ủng hộ và 32 phiếu chống. Dự kiến mức hỗ trợ sẽ lên đến 956 tỉ USD cho các nông trại ở Mỹ trong vòng năm năm tới. Dự luật này đang chờ Tổng thống Barack Obama ký trước khi đưa vào thực hiện.
Trước thông tin này, nhiều DN xuất khẩu cá tra Việt Nam lo ngại lại tiếp tục đối mặt với một năm gặp “hạn” nặng. Hiện tại, theo quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đang phải chịu mức thuế chống bán phá giá từ 0,42 USD/kg đến 2,15 USD/kg. Tháng 1-2014, Nga cũng đã cấm nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng, cho hay nếu dự luật này có hiệu lực, Việt Nam sẽ phải mất 5-7 năm để nâng cấp quy trình sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn tương đương với Mỹ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cá tra Việt Nam khó có cơ hội vào thị trường Mỹ.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết giờ chỉ còn trông chờ vào những động thái thay đổi của FDA và hoạt động ngoại giao hai chính phủ. Hiện tại DN xuất khẩu cá tra nên khai thác tốt các thị trường khác như châu Âu, châu Á.
MINH LONG