Các nước Bắc Cực cam kết đối phó tình trạng ấm lên toàn cầu

Theo hãng tin AFP, các quốc gia ven biển Bắc Cực hôm 20-5 đã cam kết chống lại sự ấm lên toàn cầu, vốn đang diễn ra nhanh hơn gấp ba lần ở vùng Viễn Bắc, đồng thời duy trì hòa bình trong khu vực khi tầm quan trọng về địa chính trị của khu vực này tăng lên.

Tình trạng ấm lên toàn cầu tăng nhanh, các nguồn tài nguyên chưa được khai thác, các tuyến hàng hải mới mở ra khi băng tan dần và tương lai của dân số địa phương đều là những chủ đề chính được bàn thảo khi ngoại trưởng các nước thành viên Hội đồng Cực Bắc có cuộc họp tại thủ đô Reykjavik, Iceland.

"Chúng tôi cam kết thúc đẩy một khu vực Bắc Cực hòa bình, nơi tập trung hợp tác về khí hậu, môi trường, khoa học và an toàn", - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với những người đồng cấp từ Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga và Thụy Điển.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (bên trái) chào đón Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (bên phải) tại cuộc họp ở Reykjavik, Iceland, vào ngày 19-5 2021. Ảnh: AP 

"Bắc Cực là một khu vực cạnh tranh chiến lược đã thu hút sự chú ý của thế giới, song pháp quyền phải được đảm bảo để nơi đây vẫn là một khu vực không có xung đột, nơi các quốc gia hành động có trách nhiệm" - ông Blinken nói thêm.

Tuyên bố trên của ông Blinken cũng là lời cảnh báo đối với Trung Quốc, một quan sát viên trong Hội đồng nhưng không hề giấu giếm sự quan tâm của mình đối với vùng lãnh thổ rộng lớn giàu tài nguyên thiên nhiên, cũng như cơ hội mở ra các tuyến hàng hải mới khi băng tan dần.

Theo AFP, Ngoại trưởng Mỹ chắc chắn cũng nhắm vào Nga sau những cuộc trao đổi căng thẳng trước cuộc họp hôm 20-5 giữa ngoại trưởng hai nước về nguy cơ "quân sự hóa" Bắc Cực.

Ngoại trưởng các nước thành viên Hội đồng Cực Bắc có cuộc họp tại thủ đô Reykjavik, Iceland, ngày 20-5. Ảnh: AFP

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Blinken cũng chú trọng thảo luận về cuộc chiến chống lại tình trạng ấm lên của Trái Đất. Về phần mình, Ngoại trưởng Canada Marc Garneau cho rằng cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu là mối đe dọa lâu dài nghiêm trọng nhất đối với các nước ở khu vực này.

Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod cũng nhấn mạnh các nước có nhiệm vụ đẩy mạnh sự hợp tác về khí hậu vì lợi ích của người dân đang sinh sống ở Bắc Cực.  

Các ngoại trưởng đều đưa ra cam kết trên sau khi Chương trình giám sát và đánh giá Bắc Cực (AMAP) công bố một bản báo cáo cùng ngày trước đó, cảnh báo nhiệt độ ở Bắc Cực đang ấm lên với tốc độ nhanh gấp 3 lần so với cả Trái Đất nói chung từ năm 1971 đến năm 2019.

Hội đồng Bắc Cực được thành lập cách đây 25 năm nhằm thiết lập đối thoại hòa bình giữa các nước Bắc Cực và người dân bản địa về các vấn đề như bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nhưng các vấn đề quân sự và an ninh lại bị loại trừ. 

Chương trình giám sát và đánh giá Bắc Cực cảnh báo nhiệt độ ở Bắc Cực đang ấm lên với tốc độ nhanh gấp 3 lần so với cả Trái Đất. Ảnh: REUTERS 

Tuy nhiên, căng thẳng đã gia tăng ở khu vực Bắc Cực trong những năm gần đây, khi các nước trở nên cảnh giác với hoạt động quân sự của nhau ở khu vực này. 

Chính phủ Nga đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Bắc Cực trong những năm gần đây, mở cửa trở lại và tiến hành hiện đại hóa một số căn cứ và sân bay bị bỏ hoang sau thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.

"Hôm nay, chúng tôi nhấn mạnh tại cuộc họp rằng nước Nga không thấy có căn cứ cho bất kỳ cuộc xung đột nào ở đây” - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chia sẻ, đồng thời đề nghị Hội đồng đưa các vấn đề quân sự vào các cuộc thảo luận giữa các nước về tương lai của khu vực này.

Ông Lavrov cũng khẳng định đất nước ông ủng hộ ý tưởng tổ chức hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Bắc Cực trong hai năm nước này giữ vai trò chủ tịch Hội đồng.

Ngoại trưởng Nga còn kêu gọi nối lại các cuộc họp thường kỳ giữa các tham mưu trưởng của các nước thành viên Hội đồng, AFP đưa tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm