Tuy nhiên, đã bộc lộ nhiều chiêu né trạm cân, gây tắc nghẽn giao thông và tình trạng “cò lái” dẫn xe vượt trạm. Mặt khác, thiết bị tại nhiều trạm cân liên tục trục trặc.
Quyết liệt kiểm tra, xử lý
Từ ngày 15 đến 17-4, xe kiểm soát tải trọng lưu động trên đường Nguyễn Văn Linh, TP.HCM đã cân kiểm tra 121 lượt xe và phát hiện xử phạt 27 lái xe và 22 chủ xe với số tiền hơn 223 triệu đồng.
Tính đến chiều qua 18-4, trạm cân lưu động tại quốc lộ 51 (huyện Long Thành, Đồng Nai) đã kiểm tra gần 900 lượt xe, xử lý 62 xe chở vượt trọng tải trong đó có những trường hợp quá tải hơn 150%. Tổ công tác đã yêu cầu hạ tải hơn 241 tấn hàng, tước 62 giấy phép lái xe và ra quyết định xử phạt với số tiền gần 600 triệu đồng.
Tại Cần Thơ, sau năm ngày, trạm kiểm tra đặt tại khu vực đường dẫn cầu Cần Thơ đã xử phạt 30 trường hợp. Tình trạng xe quá tải trên tuyến quốc lộ 1A hướng Vĩnh Long vào Cần Thơ đã giảm rất nhiều.
Xe ùn tắc trên quốc lộ 1 đoạn qua xã An Mỹ, huyện Tuy An (Phú Yên). Ảnh: TẤN LỘC
Tại Cà Mau, ông Phạm Tiến Sửu, Phó Chánh Thanh tra giao thông tỉnh, cho biết: “Trong hai ngày 15 và 16-4, kiểm tra 34 xe thì có bốn xe vi phạm tải trọng. Tuy nhiên, do tỉnh có đến hai ngõ chính là quốc lộ 1A và đường quản lộ Phụng Hiệp trong khi chỉ được cấp một xe cân nên cán bộ cứ xách cân chạy lòng vòng”. Phản hồi khi bị kiểm tra, các chủ phương tiện đề xuất phải kiểm tra tất cả để tạo công bằng trong kinh doanh vận tải.
Nhiều trạm cân trục trặc
Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho biết dù mới hoạt động nhưng trạm cân lưu động trên quốc lộ 51 gặp một số sự cố như lỗi bị treo máy nên không nhận dạng được hình ảnh phương tiện vào cân, camera bị hư hỏng, thiết bị truyền tín hiệu từ trạm cân về Tổng cục Đường bộ bị chập chờn.
Tệ hơn, tại Bình Định, mới hoạt động hai ngày thì trạm cân lưu động trên quốc lộ 1 thuộc huyện Tuy Phước đã phải đóng cửa từ ngày 17-4 do máy tính bị hư hỏng. “Hệ thống vi mạch bên trong máy tính hiện lên chập chờn, in ra không thấy chữ, thấy số gì cả. Chúng tôi đã gửi trả gấp máy lại cho Tổng cục Đường bộ. Họ hứa sẽ sửa ngay, nếu không được sẽ cấp cho cân khác để tiếp tục hoạt động” - ông Trần Châu, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định, cho biết.
Đủ chiêu né trạm
Những ngày đầu mới triển khai trạm cân lưu động trên quốc lộ 51 đã xuất hiện tình trạng xe quá tải nằm dài trên quốc lộ hoặc ghé vào các cây xăng, bãi đất trống để trú ẩn hoặc hạ tải. Thanh tra Sở GTVT đã tăng cường kiểm tra và đã lập biên bản tám trường hợp xe quá tải né trạm cân. Hiện đội kiểm tra liên ngành đã phối hợp với các huyện Long Thành, Nhơn Trạch tổ chức lực lượng tuần tra, lập chốt để ngăn xe né trạm.
Kiểm tra tải trọng xe tại trạm cân lưu động trên quốc lộ 51. Ảnh: Tiến Dũng
Trong khi đó, tại An Mỹ, huyện Tuy An (Phú Yên), phần lớn các xe quá tải đều né ở hai đầu trạm, tài xế đóng cửa xe, bỏ đi nơi khác nên CSGT không xử lý được. “Nhiều lúc có đến hàng ngàn chiếc xe tải nằm dọc ở hai đầu, gây ách tắc giao thông nên đành để cho các xe này đi qua để thông đường” - ông Hoàng Thanh Xuân, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Phú Yên, cho biết.
Ông Võ Ngọc Kha, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, cho biết: “Mỗi tài xế phải chung cho “cò” 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, “cò” dẫn thành đoàn 5-7 chiếc chạy qua trạm cân với tốc độ cao mặc cho CSGT ra tín hiệu dừng xe. Nếu xe nào bị CSGT bắt lại thì “cò” không lấy tiền. Thực ra đây là hình thức “cò” lừa tiền các tài xế”.
Bình Thuận: Phạt hàng trăm xe né trạm
Đến chiều 18-4, sau ba ngày đưa trạm cân lưu động đặt trên QL1 tại địa bàn xã Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam đã có 419 xe đưa vào kiểm tra tải trọng và có đến 81 phương tiện bị lập biên bản vì lỗi quá tải.
Theo ông Huỳnh Ninh Thạch, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, do vị trí trạm cân không phải là đường độc đạo, sợ bị xử phạt nên đã có rất nhiều phương tiện bọc theo tỉnh lộ 719 theo đường ven biển ra hướng Phan Thiết vừa tránh được trạm cân vừa khỏi mua phí đường bộ của Trạm thu phí Sông Phan. Do đã lường trước, chỉ trong ba ngày từ 15 đến 18-4, lực lượng thanh tra giao thông và CSGT đã lập biên bản 41 xe vi phạm, xử phạt gần 150 triệu đồng đối với những lái xe chọn đường đi “một vốn bốn lời” này. Tuy nhiên, do các tuyến đường kết nối với Bình Thuận giữa các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu khá nhiều nên hiện vẫn còn nhiều phương tiện tìm đủ mọi cách né trạm.
Thiếu tá Trịnh Huy Nam, Đội trưởng Đội CSGT huyện Đức Linh (Bình Thuận), cho biết do tải trọng cầu La Ngà chỉ 23 tấn nên các xe tải nặng đều chọn hướng rẽ vào đường Đa Kai (Đức Linh). Tính từ ngày 1-4 đến nay đã có 289 phương tiện né các trạm này bị lập biên bản xử phạt hơn 1,1 tỉ đồng.
Trong những ngày tới sẽ có thêm các trạm cân xe lưu động được triển khai ở nhiều địa phương. Tại Ninh Thuận, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa phân bổ ô tô ký hiệu T60.10496 về Ninh Thuận để lập trạm số 42 kiểm tra tải trọng xe lưu động tại ba vị trí trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh. Dự kiến vào đầu tháng 5 trạm cân xe lưu động bắt đầu hoạt động.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Kiên định trong kiểm tra tải trọng xe Kiểm soát trọng tải phương tiện đường bộ vừa bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông vừa giúp thị trường vận tải minh bạch hơn và tạo ra cơ hội phát triển cho ngành đường sắt, đường thủy nội địa. Do đó, ba ngành đường sắt, đường thủy, đường bộ phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, phối hợp trong vận chuyển hàng hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, tiêu cực. Không thể để xảy ra tình trạng qua “cò” thì mới có toa hàng tàu hỏa được. Vận tải nhất định không thể cắt khúc, mà phải liên hoàn, phối hợp với nhau. Tôi khẳng định việc kiểm soát trọng tải xe sẽ rất kiên định, đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh vận tải, trả lại giá cước thực đúng với thị trường. Nếu năm 2014 vận tải đường sắt, đường bộ, đường sông không hoàn thành việc kết nối, san sẻ hàng hóa cho nhau thì các thứ trưởng sẽ không thể được coi là hoàn thành nhiệm vụ. Ông KHUẤT VIỆT HÙNG, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT: Du di cho xe nông sản, kiểm tra khắc phục sai số trạm cân Hệ thống cân tải trọng trên các quốc lộ hiện nay là những thiết bị hiện đại, tương đối chuẩn xác. Tuy nhiên, nếu đặt cân lệch hoặc đặt tại vị trí không bằng phẳng thì cũng có thể dẫn đến sai số nhất định. Do đó, Bộ đã yêu cầu các địa phương, lực lượng kiểm tra tải trọng cần đặt trạm cân đúng vị trí và thực hiện kiểm tra theo đúng quy trình đã được hướng dẫn. Trong trường hợp có sai số giữa các điểm kiểm tra tải trọng hoặc với cân dịch vụ thì lái xe nên có phản ánh, khiếu nại để đảm bảo sự công bằng, tránh tình trạng phạt sai. Trường hợp chưa đồng tình với giải quyết của các cơ quan chức năng thì có thể phản ánh về Bộ GTVT để xem xét giải quyết. Đối với các xe chở hàng tươi sống, chở nông sản, tinh thần của bộ trưởng là ưu tiên, là tìm ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người nông dân theo hướng phạt nhưng không bắt hạ tải và khi làm nhiệm vụ thì các cơ quan chức năng có thể xem xét. Tuy nhiên, đó chỉ là tinh thần, còn nguyên tắc pháp luật mọi trường hợp vi phạm đều phải xử phạt như nhau. Do đó, hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu giải pháp và sẽ trình Chính phủ xem xét quyết định. Phải xử nghiêm chủ hàng, chủ bãi Ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết hiệp hội ủng hộ việc kiểm tra tải trọng xe để bảo vệ hạ tầng giao thông. Nhưng đó chỉ mới giải quyết phần ngọn. Theo ông, nên làm từ gốc, phải làm rõ trách nhiệm của chủ hàng, bến bãi, cảng vì nơi này chính là khởi nguồn của việc vi phạm. Vì vậy phải xử luôn chủ hàng và bến bãi, cảng… nơi phương tiện đó xuất phát . Tương tự, ông Đoàn Minh Thành, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Minh Thành, cho rằng chủ kho cảng không bốc hàng và không cho phép xe chở quá tải, nếu chủ xe không đồng ý chở quá tải thì làm sao có xe quá tải lưu thông trên đường? Nếu như CSGT và thanh tra giao thông xử nghiêm thì cũng ít có chủ xe nào dám chở quá tải. Ông Thành đề nghị nếu DN chở hàng rời như phân bón, sắt thép cố tình bốc hàng lên xe chở quá tải thì phải xử lý nghiêm. Còn nếu DN vận tải chở máy móc, thiết bị chuyên dụng không thể tách rời mà quá tải, quá khổ thì cơ quan chức năng xem xét cấp giấy phép lưu hành đặc biệt để cho DN hoạt động. |