Cái bang và đạo chích lộng hành tại Pháp

Bởi chưa có những biện pháp mạnh tay từ cảnh sát, tình trạng phạm tội của các nhóm người Di-gan nhập cư đang có nguy cơ lây lan khắp thủ đô Paris. Những địa điểm du lịch chính là nơi bị các băng nhóm vị thành niên nhòm ngó nhiều nhất.

Với một thỏa ước được hai nước Pháp và Romania ký vào tháng 4-2011, hai bên đã có thể khởi động những chiến dịch truy quét chung. Marius Amihalachioaie thông thạo tiếng Pháp, là một thanh tra viên cảnh sát tại Bucharest đã sang Pháp cùng với 16 đồng nghiệp người Romania để phối hợp hoạt động với cảnh sát Pháp. Họ đóng tại Paris và cả Marseille và Lyon. Ưu thế của họ là được đào tạo chuyên về nghiệp vụ chống tội phạm có tổ chức, hiểu rõ cách thức hoạt động phạm tội của các băng nhóm người Romania. Từ đó, mục tiêu chính của họ là truy quét các đường dây tội phạm xuyên biên giới mà thủ phạm chính là các đối tượng người Di-gan, một sắc dân thiểu số vừa mới tìm được chỗ đứng trên đất nước Romania và lang thang đây đó khắp nơi trên khắp châu Âu.

“Đại ca” điều hành những băng nhóm nhí

Tại Paris, các băng nhóm trẻ con luôn được điều khiển từ xa bởi những “đại ca”. Cứ sáng sáng, bọn trẻ được chất lên xe tải nhẹ và được chở đến các khu vực như quảng trường Nhà hát Opéra, quảng trường Châtelet hay Trung tâm thương mại Forum des Halles. Chúng “làm việc” tại đây đến tận chiều tối. Bọn chúng được phân chia nhiệm vụ tùy theo khả năng và kinh nghiệm của mỗi thành viên. Ví dụ, một nhóm “nữ tặc” xuất thân từ Tandarei, một thành phố nhỏ ở miền Nam Romania, thì lượn vòng quanh khu Nhà hát Opéra Garnier với tấm bảng nhỏ viết nguệch ngoạc dòng chữ “Hội giúp đỡ những người câm điếc”. Đây là trò giả mạo nhưng hiệu quả, bởi vì đã có rất nhiều du khách móc ví ra giúp đỡ. Từ đó chiếc ví tiền của họ được quan sát kín đáo một cách chuyên nghiệp, nếu như thấy có nhiều tiền, bọn con gái sẽ nháy mắt với các tay móc túi và chắc hẳn chúng sẽ có cách “ra tay”. Vì thế, “con mồi” ngon ăn nhất của chúng chính là các du khách người châu Á, vốn luôn có thói quen sử dụng tiền mặt. Nguyên tắc cơ bản của bọn đạo chích này là không bao giờ giữ tiền trong mình lâu. Vì vậy, ngay phía sau nhà hát, những món tiền cuỗm được sẽ được nộp ngay cho các “đại ca”. Những “anh cả” này ăn mặc sang trọng, hàng hiệu chính hãng và tập trung trước cửa hàng Zara, gần nhà hát. Các bậc đàn anh này cũng không giữ tiền lâu, chúng sẽ mua ngay những hàng hóa, sản phẩm đắt tiền rồi mang đi bán lại.

Cái bang và đạo chích lộng hành tại Pháp ảnh 1

Cảnh sát tuần tra đang chặn hỏi một nhạc công người Di-gan tại Paris.

Không bao giờ khai thật tên tuổi

Chuông điện thoại reo vang tại một đồn cảnh sát tại quận 12, thủ đô Paris. Ở đầu dây bên kia, Đồn cảnh sát của quận 8 báo cho biết vừa mới bắt được ba đối tượng người Di-gan đang móc túi một cụ già. Nhưng bọn chúng khăng khăng mình mới chỉ là vị thành niên và khai dối mọi thứ về nhân thân. Thế là, cảnh sát Marius liền gọi sang Bucharest - thủ đô Romania để xác định thân nhân của các đối tượng tình nghi này. Vài phút sau, đầu dây Romania gọi lại xác nhận: ba đối tượng trên hoàn toàn khai gian. Cảnh sát Marius giải thích: “Bọn chúng không bao giờ khai tên tuổi thật của mình, chúng tôi sẽ phải trực tiếp đến gặp bọn chúng”.

Marius Amihalachioaie và thanh tra Mihai Chirita, 24 tuổi, sẽ làm việc chung để khi lấy lời khai, họ sẽ thay phiên nhau “kẻ đấm người xoa” nhằm gây rối loạn tinh thần bọn tội phạm. Họ đi xe điện ngầm đến quận 8. Marius Amihalachioaie nói: “Tôi rành đường metro tại Paris như lòng bàn tay. Hầu như ngày nào cũng có nhiều cuộc gọi đến và chúng tôi phải tự thân đến tận các đồn cảnh sát khắp Paris, bởi vì một mình cảnh sát Pháp thì thật khó để có thể xác định đúng nhân thân của bọn tội phạm người Di-gan. Các nghi phạm đang bị câu lưu có quyền không cho chụp ảnh, không cho lấy dấu vân tay hoặc làm xét nghiệm xương để xác định tuổi. Cho nên, cảnh sát Pháp chỉ có thể lấy lời khai của chúng mà thôi, mà bọn chúng thì khai man đủ chuyện, chúng khai tên nào là Michael Jackson, Jacques Chirac hay Chuối, Xoài, Ổi gì đó. Bọn chúng rất rành rẽ hệ thống pháp luật của Pháp nên bằng mọi cách tận dụng tối đa các kẽ hở của luật pháp để tự vệ”.

Trong các dãy hành lang hẹp của đồn cảnh sát, không khí nặng nề. Nghi can đầu tiên là một cô gái, đã được dẫn ra. Cảnh sát bảo là cô ta 18 tuổi nhưng cô ấy chống chế là mình chỉ mới 14 tuổi và chẳng tỏ vẻ lúng túng sợ sệt gì. Marius và Mihai dẫn cô ta vào một gian phòng nhỏ lát gạch vuông màu xám. Cô bé liền đốp chát: “Tôi còn nhỏ. Người Pháp không thể làm gì được tôi đâu, họ sẽ thả tôi ngay. Ừ đấy, tôi cướp giật đấy và tôi sẽ còn tiếp tục cướp giật. Chúng tôi không sợ gì hết, ngay cả quỷ sứ cũng không làm chúng tôi khiếp sợ”.

Cô ta hẳn đã học thuộc nằm lòng các chi tiết về nhân thân giả của mình và liên tục lặp đi lặp lại như một con vẹt. Khi đó Mihai tỏ ra dịu dàng và xen kẽ đó Marius lớn tiếng dọa nạt. Nhưng cô gái đó luôn kháng cự và thường xổ ra những lời nói xúc phạm, thô tục. Kế đến, cô gái thứ hai cũng được dẫn ra, cô này xem ra tự tin hơn nhiều. Cô ấy đang mang thai, độ chừng ngoài 20 tuổi, thế mà cô ấy bảo là mình 15 tuổi! Màn kịch cứ thế tái diễn. Cuối cùng, nhờ đối chiếu thông tin xác minh từ cảnh sát Romania, cảnh sát Pháp mới chắc chắn là bọn nữ tặc này đã ở tuổi trưởng thành, đủ tuổi chịu hình phạt trước pháp luật.

Liền sau đó, cảnh sát Pháp đã dẫn đến thêm hai kẻ móc túi khác bị bắt trong tàu điện ngầm. Chúng cũng khai tên giả nhưng Marius đã nhận diện được một tên: “Này, cậu em, đừng có đóng kịch, tôi biết rõ cậu đấy. Cậu em không phải mới 12 tuổi đâu, 15 rồi chứ. Tôi có địa chỉ đây, có hết đây. Gần đây cậu có tin tức gì về anh trai mình không?”. Câu hỏi này của viên cảnh sát là đòn chí mạng, bởi người anh của tên này là một tội phạm đang bị cảnh sát châu Âu truy nã gắt gao. Ảnh chụp của tên này đang được treo trong các đồn cảnh sát của quận 12. Thế là “cậu em” trở nên rối trí: Nếu như hắn chứng minh được với cảnh sát Pháp là hắn mới 12 tuổi, thì hắn sẽ được thả ngay. Mà kỳ thực, hắn đã ra vào đồn cảnh sát như cơm bữa. Song, lần này thì căng đấy, bởi vì cảnh sát Romania đã thông báo cho các đồng nghiệp Pháp tên tuổi thật của hắn.

Mỗi đứa giựt năm cái iPhone/ngày

Mạng lưới đạo chích người Di-gan cũng có chiêu cướp tiền mặt ngay tại các máy ATM. Chúng không bao giờ lao ngay vào một khách hàng đang rút tiền để giật, mà luôn có hai tên. Khi thấy khách hàng đang bấm mã số, với con mắt nhà nghề, chúng sẽ biết để trờ tới sát bên cạnh người khách và chìa ra một mảnh giấy ghi này nọ hoặc một tấm bản đồ để nhờ chỉ đường giúp. Rồi chỉ cần vài giây trong khi người rút tiền kia đang bị phân trí và lơ đễnh, tên thứ hai sẽ nhanh tay bấm tiếp trên máy một số tiền lớn có thể được, rồi cũng nhanh tay chộp ngay số tiền mà máy nhả ra rồi nhanh chân tháo chạy. Một ngày, chúng có thể kiếm được từ 1.000 đến 2.000 euro. Quả không phí công!

Một mục tiêu khác mà bọn chúng nhắm đến chính là những chiếc điện thoại di động mà khách ngồi uống nước thường tiện tay để trên bàn ở các quán cà phê vỉa hè. Marius nói: “Bọn chúng chỉ thích iPhone thôi. Trung bình, một tên cướp nhí có thể giật được 4-5 chiếc/ngày”. Tại khu chợ trời bán đồ cũ Montreuil, người ta thường thấy các phụ nữ người Di-gan vừa đi vừa rao “iPhone, iPhone đây!”. Họ nói giá 300 euro cho một chiếc 4S đời cuối nhưng xuống giá ngay khi thấy khách hỏi mua lưỡng lự.

Bên trong các văn phòng của đơn vị chống tội phạm xuyên quốc gia, cảnh sát liên tục phải nhận diện các đối tượng nam, nữ và cả trẻ em, những đối tượng lấy việc cướp giật và trộm cắp làm kế sinh nhai. Thật ra, bọn họ là nạn nhân của những đường dây có tổ chức, phải rong ruổi khắp các nẻo đường của thủ đô Paris để kiếm ăn. Tại Forum des Halles, có một bé trai và một bé gái độ chừng 10-12 tuổi đang đảo mắt quan sát kỹ những nhóm du khách đang ngồi nghỉ trên các bậc thềm của nhà thờ Saint-Eustache. Cuối cùng, cô cậu mon men đến gần một nhóm du khách Đức. Thằng bé chậm rãi ngồi xuống và khéo léo luồn tay vào một chiếc giỏ sách đang được để nằm lăn lóc trên bậc tam cấp, khi biết trong đó chẳng có gì đáng giá, nó đứng dậy, ra hiệu cho đứa bé gái, rồi cả hai bỏ đi về phía Nhà hát Opéra. Thỉnh thoảng, chúng dừng chân trước các quán cà phê vỉa hè, đứa con gái chìa ra một mảnh giấy viết vẽ gì đó trước mặt một ông khách đang mơ màng bên tách cà phê, trong khi thằng con trai ra tay.

Những băng nhóm được điều khiển từ Romania

Có 2 triệu người Di-gan đang sinh sống tại Romania trong số 10 triệu trên khắp châu Âu. Tại TP Tandarei miền Nam, có sáu băng đảng người Di-gan nổi tiếng với những đường dây mua bán và khai thác trẻ em trên quy mô lớn. Các trẻ em này được mua từ những cặp vợ chồng quá nghèo khổ và chủ yếu được mang sang Anh quốc. Cũng tại Tandarei, các băng nhóm này cũng cho xây dựng cả trăm biệt thự và các dinh thự nhỏ ước tính trị giá lên đến nhiều chục triệu euro. Từ năm 2008, cảnh sát Romania đã triển khai hơn 100 chiến dịch truy quét nhưng không diệt trừ được tận gốc.

TƯỜNG NGUYỄN (Theo Le Point)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm