Quan hệ Mỹ-Campuchia lần nữa được đưa lên bàn cân sau khi Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia ngày 3-4 thông báo đơn vị công binh hải quân Mỹ có biệt danh Seabees đã rút khỏi Campuchia. Theo đó, chương trình Seabees cũng bị trì hoãn vô thời hạn, đồng nghĩa với việc hủy bỏ 20 dự án đã được lên kế hoạch giữa Campuchia và Mỹ.
Xa Mỹ gần Trung
Trước đó, hôm 16-1, Campuchia bất ngờ tuyên bố hủy hai cuộc tập trận chung thường niên với Mỹ trong năm 2017 và 2018 dù đã lên kế hoạch từ trước. Khi đó, tướng Chhum Socheath, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia, giải thích rằng cuộc tập trận Angkor Sentinel phải hoãn lại bởi nước này rất bận rộn với hai sự kiện quan trọng là bầu cử địa phương vào tháng 6 và chiến dịch diệt trừ tội phạm ma túy kéo dài sáu tháng.
Quyết định hủy các cuộc diễn tập với Mỹ được đưa ra vài tuần sau khi Campuchia có cuộc tập trận quân sự lớn chưa từng có mang tên “Rồng Vàng” với Trung Quốc (TQ) hồi tháng 12-2016. Những động thái bất ngờ trên được giới quan sát đánh giá là xuất phát từ ảnh hưởng của TQ.
Theo East Asia Forum, trong giai đoạn 1994-2013, quan hệ kinh tế giữa TQ và Campuchia phát triển nhanh chóng mặt. Đầu tư của Bắc Kinh tại Phnom Penh đã lên đến 10 tỉ USD, tập trung chủ yếu vào nông nghiệp, khai thác khoáng sản, các dự án cơ sở hạ tầng, đập thủy điện và sản xuất hàng may mặc. Kể từ năm 1992, TQ cũng đã cung cấp khoảng 3 tỉ USD vốn vay ưu đãi và viện trợ cho Campuchia. TQ còn tổ chức huấn luyện và cung cấp vũ khí, phương tiện quân sự cho quân đội Campuchia và đầu tư vào các chương trình địa phương khác.
Ông Tập Cận Bình khi còn là phó chủ tịch TQ (trái) và Thủ tướng Campuchia Hun Sen (phải) cùng nâng ly sau lễ ký kết một thỏa thuận hợp tác tại Phnom Penh hồi 21-12-2009. Ảnh: REUTERS
Con dao hai lưỡi
Hãng tin Reuters cho biết mối quan hệ giữa Phnom Penh và Washington xấu đi bởi những lời chỉ trích của Mỹ về nội bộ chính trị Campuchia. Ngoài ra, việc Mỹ nhiều lần bác đề nghị xóa khoản nợ 500 triệu USD từ thời chiến tranh trong thập niên 1970 cho Campuchia cũng là một nguyên nhân khiến nước này quay lưng với Mỹ. Tuy nhiên, The Diplomat nhận định những động thái phá vỡ cam kết bất ngờ của Campuchia có thể là thông điệp “cảnh báo” Washington đừng can dự trước thềm bầu cử năm 2018 ở nước này.
Trong khi đó, một số chuyên gia tin rằng sự ảnh hưởng của TQ mới chính là nguyên nhân kéo Campuchia rời xa Mỹ. Ngay sau khi Campuchia thông báo hủy tập trận chung với Mỹ hồi tháng 1, Đại sứ Mỹ tại Campuchia William Heidt bày tỏ “thất vọng” trước quyết định này. GS Carl Thayer, ĐH Quốc phòng Úc, đánh giá sự cắt giảm liên kết giữa quân đội Mỹ và Campuchia sẽ là một thất bại cho chiến lược của Washington trong khu vực, song Campuchia cũng sẽ nhận lấy phần thiệt cuối cùng.
Nhà phân tích Veasna Var, ĐH New South Wales (Úc), cho rằng TQ đã lấy lòng được chính phủ Campuchia là nhờ các khoản viện trợ vô điều kiện “khủng” cùng lời hứa không can thiệp nội bộ. Tuy nhiên, ông Var cho rằng cách thức đầu tư và viện trợ như hiện nay của TQ tiềm ẩn không ít rủi ro đối với chính sách phát triển và quan hệ đối ngoại của Campuchia. Sự phụ thuộc ngày càng lớn của Phnom Penh vào Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng lớn đến việc định hình chính sách đối ngoại cũng như hệ thống chính trị của nước này.
TQ đang lôi kéo các đồng minh an ninh lớn của Mỹ ở châu Á. Điển hình là Philippines khi tổng thống nước này là ông Rodrigo Duterte nhiều lần chỉ trích Mỹ và tuyên bố “Chỉ có TQ mới có thể giúp chúng tôi”. Ở Thái Lan, chính quyền quân đội cũng đã nhận sự hỗ trợ từ TQ và mới đây, hôm 4-4, nội các nước này thông qua kế hoạch mua thêm 10 xe tăng loại VT-4 của TQ với bản hợp đồng khoảng 58 triệu USD. Các xe tăng này sẽ ngay lập tức được đưa vào biên chế để thay thế các xe tăng M41 đã già nua của Mỹ. _________________________________ 157 triệu USD là số tiền TQ tài trợ cho Campuchia xây sân vận động mới để tổ chức SEA Games vào năm 2023. |