Tờ South China Morning Post đưa tin Campuchia đang đề xuất một đạo luật cho phép cảnh sát Campuchia phạt những người ăn mặc không phù hợp.
Dự thảo luật sẽ có hiệu lực vào năm 2021 nếu được Quốc hội và một số bộ của chính phủ thông qua. Dự luật này cấm đàn ông ra đường nếu không mặc áo và phụ nữ không được mặc đồ quá ngắn hoặc xuyên thấu.
Phụ nữ mặc váy ngắn tại giải đua xe Công thức 1 Hàn Quốc năm 2012. Ảnh: EPA
Đầu năm nay, một phụ nữ Campuchia đã bị kết án sáu tháng tù vì tội khiêu dâm sau khi cô này mặc trang phục hở hang để live stream bán quần áo và mỹ phẩm trên Facebook.
Vụ bắt giữ diễn ra vài ngày sau khi Thủ tướng Hun Sen ra lệnh truy tìm những phụ nữ bán hàng bằng cách khoe thân. Ông cho rằng những người này đang làm xấu văn hoá Campuchia và khuyến khích lạm dụng tình dục.
Các nhóm nhân quyền đã phản đối việc này và cảnh báo rằng luật mới có thể khiến phụ nữ có nguy cơ bị quấy rối và bạo lực tình dục cao hơn vì nó đang cổ suý cho văn hoá đổ lỗi cho nạn nhân.
Bà Chak Sopheap, giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện Trung tâm Quyền con người Campuchia cho biết: “Trong những tháng gần đây chúng ta đã chứng kiến việc kiểm soát thân thể và quần áo phụ nữ từ các cấp chính quyền cao nhất. Đây là biểu hiện của việc coi thường quyền tự chủ, quyền thể hiện bản thân của nữ giới và đổ lỗi cho họ khi xảy ra bạo lực tình dục. Tôi sợ rằng dự thảo luật này sẽ được dùng không phù hợp và ngăn phụ nữ thực hiện các quyền tự do cơ bản của họ”.
Bà Ming Yu Hah, phó giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Việc khiển trách phụ nữ vì sự lựa chọn trang phục của họ đang cổ suý cho quan niệm rằng phụ nữ phải chịu trách nhiệm cho những bạo lực tình dục xảy ra với họ. Điều này càng củng cố thêm cho văn hoá miễn tội vốn vẫn luôn tồn tại trong các vụ bạo lực liên quan đến giới tính. Lời cầu khẩn từ ‘truyền thống dân tộc’ đang đặt ra câu hỏi: Ai đang định nghĩa truyền thống? Dựa trên cơ sở nào? Và để hướng tới điều gì?”.
Tuy nhiên, người chủ trì quá trình soạn thảo, Bộ trưởng Nội vụ Oul Kimlekh cho rằng dự luật này là cần thiết để bảo tồn văn hoá truyền thống. Ông nói: “Sẽ tốt hơn nếu mọi người mặc đồ không ngắn hơn giữa đùi”.
Nhiều người Campuchia vẫn mong muốn phụ nữ phải phục tùng và im lặng, đây là di sản của Chbap Srey, một bộ quy tắc ứng xử có tính áp bức đối với phụ nữ mà vào năm 2019 Liên Hợp Quốc đã kêu gọi loại bỏ hoàn toàn khỏi trường học.
Bộ quy tắc có tuổi đời hàng thế kỷ này được xem là “nguyên nhân gốc cho vị trí bất lợi của phụ nữ”. Nó là một phần của chương trình học tại các trường từ năm 2007 đến nay, nó dạy phụ nữ phải ngoan ngoãn và quy định các tiêu chuẩn cho phụ nữ khi thể hiện bản thân.