Việc ghi nhận nguyên tắc này nhằm chống lại sự kết tội chủ quan, duy ý chí của cơ quan tố tụng.
Thực tế, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 đã đưa hai nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội thành nguyên tắc cơ bản. Đó là “không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia có chung nhận định rằng việc luật không ghi nhận chính thức nguyên tắc suy đoán vô tội thành nguyên tắc cơ bản đã dẫn đến hệ quả tất yếu là nhiều quy định không lột tả được hết được các nội dung của nguyên tắc quan trọng này.
Nghi can được quyền im lặng?
Ths Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật) chỉ ra cái thiếu đầu tiên là luật không quy định quyền được im lặng của bị can, bị cáo trong các giai đoạn tố tụng. Điều này đã tạo khoảng trống pháp lý, tạo cơ hội cho một số cơ quan tố tụng vận dụng sai nguyên tắc suy đoán vô tội. Trong một bài viết, TS Võ Thị Kim Oanh (Trưởng khoa Luật hình sự ĐH Luật TP.HCM) cũng coi đây là “một hạn chế lớn của pháp luật về bảo đảm quyền con người”.
Theo Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì HĐXX, kiểm sát viên, người bào chữa tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án. Hiểu theo một nghĩa nào đó thì điều luật đã gián tiếp công nhận quyền được im lặng của bị cáo tại phiên tòa. Còn đối với người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam thì chưa có một quy định nào, dù chỉ gián tiếp đề cập đến quyền được im lặng như trên.
Hồ sơ vụ án khi đưa ra tòa thường có xu hướng thiên về chứng cứ buộc tội, thiếu chứng cứ gỡ tội. Ảnh: HTD
“Thực tế, không hiếm trường hợp cơ quan tố tụng dùng nhục hình, mớm cung, ép cung, thậm chí cho rằng bị can, bị cáo không khai báo là ngoan cố chối tội và thành kiến với họ” - ông Hưng bức xúc.
Không cho tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung?
“Không nên để tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung bởi tòa là cơ quan xét xử. Quy định hiện hành đã đẩy tòa đứng về phía buộc tội, làm mất tính khách quan” - PGS-TS Phạm Hồng Hải (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) kiến nghị.
Đồng tình, Ths Đinh Thế Hưng phân tích thêm: Quy định tại Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự cho phép thẩm phán chủ tọa phiên tòa có định kiến trước là bị cáo có tội. Điều đó khiến người ta nghi ngờ về tính hình thức của phiên xử, khi mà thẩm phán đã dự liệu trước kết quả bị cáo có tội.
Ông Hưng đề xuất: Luật nên sửa theo hướng cho phép tại giai đoạn xét xử, VKS có quyền bổ sung chứng cứ nếu tự thấy việc chứng minh tội phạm chưa đầy đủ. Nếu VKS vẫn giữ nguyên quan điểm buộc tội dù thấy những thiếu sót về chứng cứ thì tòa vẫn xét xử và tuyên bị cáo không phạm tội với lý do bên buộc tội không chứng minh được hoặc chứng minh không đúng pháp luật. “Có như vậy mới đề cao trách nhiệm của VKS, đồng thời trả tòa về đúng chức năng xét xử. Phán quyết của tòa khi đó mới bảo đảm khách quan, không định kiến”.
Về chuyện này, Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ lại cho rằng “không nên quá cực đoan”. Theo ông, tòa ở vị trí trung tâm với nhiệm vụ xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, kiểm soát được tội phạm và bảo đảm tội phạm phải bị xử lý nghiêm minh chứ không thể theo hướng buộc tội được thì buộc, không buộc được thì thôi như hệ thống án lệ.
Ông Độ nói cơ chế và nội dung trả hồ sơ để điều tra bổ sung của tòa phải khác. Cụ thể, tòa chỉ trả hồ sơ sau khi đã xét xử công khai tại phiên tòa. Căn cứ trả là khi thấy có vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố hoặc thiếu chứng cứ quan trọng khiến tòa không thể phán quyết (chứ không phải không buộc tội được).
Bình đẳng trong thu thập chứng cứ?
Theo luật, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do người tham gia tố tụng cung cấp chỉ có thể trở thành chứng cứ khi được nộp và được các cơ quan tố tụng chấp nhận đưa vào hồ sơ. Từ đó, một bất cập lớn là hồ sơ vụ án khi đưa ra tòa thường có xu hướng thiên về chứng cứ buộc tội, thiếu chứng cứ gỡ tội.
Ông Trần Văn Độ cho rằng bất cập này xuất phát từ cơ chế tổ chức: “Cơ quan điều tra, VKS là cơ quan buộc tội thì rõ ràng chứng cứ chủ yếu là buộc tội. Có ai cố đi tìm chứng cứ gỡ tội đâu, nếu có thì chẳng qua là ngẫu nhiên tìm thấy trong quá trình buộc tội. Chứng cứ gỡ tội phải là bên bị can, bị cáo, người bào chữa”.
Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát VKSND Tối cao Đỗ Văn Đương cũng thừa nhận với thực tế này thì “quyền được suy đoán vô tội của bị cáo khó có thể được tôn trọng một cách thực sự”.
Để khắc phục, Ths Đinh Thế Hưng cho rằng bên buộc tội và bên gỡ tội cần phải có sự bình đẳng trong hoạt động thu thập chứng cứ. Chỉ có tòa mới có thẩm quyền đánh giá, chấp nhận, sử dụng chứng cứ mà hai bên đưa ra.
Nguyên tắc suy đoán vô tội - Không ai có thể bị coi là có tội khi tội phạm do họ thực hiện chưa được chứng minh theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và chưa được xác định bằng bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. - Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan điều tra, VKS; bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. - Bản cáo trạng của VKS và bản án kết tội của tòa án phải dựa trên các chứng cứ khẳng định chắc chắn về lỗi của người bị buộc tội trong việc thực hiện tội phạm. Mọi nghi ngờ về lỗi của bị can, bị cáo nếu không thể loại trừ được theo trình tự, thủ tục do luật định và khi chưa có sự thống nhất trong việc giải thích, áp dụng các quy phạm pháp luật đều phải được giải quyết theo hướng có lợi cho họ. Người bào chữa bị lệ thuộc Tính thụ động và bị lệ thuộc của người bào chữa vào các cơ quan tố tụng vẫn là điểm dễ nhận thấy trong hoạt động tố tụng hình sự ở nước ta. Sự tham gia tố tụng của người bào chữa gặp nhiều khó khăn, cơ sở để họ biện hộ cho bị can, bị cáo chủ yếu vẫn là hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra xây dựng. Cả trên bình diện pháp lý và thực tiễn, người bào chữa chưa thực sự có cơ hội bình đẳng với bên buộc tội trong việc thực hiện chức năng gỡ tội. TS ĐỖ VĂN ĐƯƠNG, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát VKSND Tối cao Bảo đảm quyền bào chữa Nguyên tắc suy đoán vô tội quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa và nguyên tắc tranh tụng. Bởi vì nếu đã bị coi là có tội ngay từ khi chưa được xét xử thì quyền bào chữa, quyền được tranh tụng trước tòa để tìm ra chân lý của vụ án chỉ là “hư quyền”. Khi đó, việc xét xử chỉ là việc tòa đi tìm lời giải cho một bài toán có sẵn đáp số là một người có tội. Ths ĐINH THẾ HƯNG, Viện Nhà nước và Pháp luật Nghi can đang chịu thành kiến Một trong những nội dung cơ bản của nguyên tắc suy đoán vô tội, được giải thích ngắn gọn là mọi nghi ngờ về pháp luật và chứng cứ phải được giải thích có lợi cho bị can, bị cáo. Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động nghề nghiệp và qua trao đổi với các đồng nghiệp khác, tôi thấy các bị can, bị cáo chưa hề được cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng đối xử theo hướng này. Luật sư NGUYỄN VĂN TÚ, Giám đốc Công ty Luật Fanci |
ĐỨC MINH